Lạng Sơn: Đẩy mạnh các hoạt động về sở hữu trí tuệ và đổi mới sáng tạo
Trong những năm gần đây, việc khuyến khích, thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, xác lập, quản lý, khai thác, phát triển tài sản trí tuệ (TSTT), hỗ trợ về sở hữu trí tuệ (SHTT) trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã được đẩy mạnh. Những hoạt động như tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân có nhu cầu và có kết quả nghiên cứu, sáng tạo thực hiện các thủ tục đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) đã góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức của nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn về tầm quan trọng của việc xác lập, phát huy và bảo vệ TSTT.
Chỉ dẫn Hoa Hồi Lạng Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ năm 2007 (a - hoa Hồi tươi, b - hoa Hồi khô, c - người dân huyện Văn Quan trong quá trình phơi sấy hoa Hồi, d - sản phẩm tinh dầu hồi).
Tư vấn, hướng dẫn xác lập, bảo vệ quyền SHCN
Trong thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng của Lạng Sơn đã thực hiện công tác tư vấn, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân xác lập, bảo vệ quyền SHCN thường xuyên, liên tục. Kết quả đã thực hiện được 269 lượt tư vấn hướng dẫn (nhãn hiệu: 248 lượt, chỉ dẫn địa lý: 4 lượt, kiểu dáng công nghiệp: 8 lượt, sáng chế/giải pháp hữu ích: 9 lượt). Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 538 TSTT đã được Cục SHTT cấp văn bằng bảo hộ quyền SHCN, gồm: 2 chỉ dẫn địa lý, 22 nhãn hiệu tập thể, 2 nhãn hiệu chứng nhận, 477 nhãn hiệu (thông thường), 34 kiểu dáng công nghiệp, 1 giải pháp hữu ích.
Với việc nỗ lực trong công tác tuyên truyền và tư vấn về SHTT, nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã nhận thức được tầm quan trọng của việc xác lập; phát huy, bảo vệ TSTT; chuyển giao quyền đăng ký, sử dụng, quản lý đối tượng quyền SHTT đã được bảo hộ... Tuy nhiên, việc xác lập quyền của các chủ thể chỉ tập trung chủ yếu vào nhãn hiệu, các đối tượng khác vẫn chưa được quan tâm nhiều. Đa số các chủ thể quyền chưa chủ động trong việc tự bảo vệ quyền, khi bị xâm phạm quyền còn có tâm lý e dè do ngại tranh tụng. Do đó, để khắc phục trình trạng này, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các sở, ngành có liên quan đang tích cực đẩy mạnh tuyên truyền cho mọi tổ chức, cá nhân nhận thức rõ hơn về quyền lợi và nghĩa vụ trong việc bảo vệ quyền SHTT; tạo điều kiện để các chủ quyền và cơ quan thực thi quyền có mối quan hệ chặt chẽ hơn (thông qua việc tổ chức các hội thảo/hội nghị, tập huấn...).
Khuyến khích khai thác TSTT và xúc tiến thương mại
Tại Lạng Sơn, hoạt động khuyến khích khai thác TSTT chủ yếu tập trung vào công tác hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng công cụ SHTT trong hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp về tầm quan trọng của việc khai thác quyền SHTT, cụ thể như:
Thứ nhất, thực hiện Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Kế hoạch số 143/KH-UBND ngày 14/8/2017 về hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2017-2020 và kế hoạch hằng năm nhằm triển khai và cụ thể hóa các mục tiêu, nội dung của Đề án phù hợp với điều kiện và tình hình thực tiễn của tỉnh, gồm: xây dựng trang thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh; nâng cao năng lực cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; bố trí các địa điểm tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tổ chức và tham gia các sự kiện khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; xây dựng chương trình truyền thông về hoạt động khởi nghiệp; khuyến khích hình thành và sử dụng các quỹ nhằm hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Thứ hai, đẩy mạnh tuyên truyền về việc khai thác, phân tích thông tin sáng chế, các công nghệ đã hết thời hạn bảo hộ hoặc không được bảo hộ quyền SHTT ở Việt Nam, quyền tác giả, quyền liên quan đã hết thời hạn bảo hộ hoặc thuộc về Nhà nước; từng bước hỗ trợ doanh nghiệp tham gia mạng lưới chuyển giao công nghệ và SHTT với các viện nghiên cứu, trường đại học nhằm thúc đẩy việc tạo ra và khai thác TSTT.
Thứ ba, bước đầu tỉnh Lạng Sơn đã có những giải pháp (kế hoạch, đề án) để bảo vệ nguồn gen động/thực vật (nghiên cứu điều tra cây dược liệu, nghiên cứu phát huy một số bài thuốc y học cổ truyền...); khai thác phát huy các tri thức truyền thống trong lĩnh vực y học cổ truyền, ẩm thực, làng nghề...; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc trên địa bàn tỉnh (nghiên cứu, bảo tồn hát Then, đàn Tính, các phong tục, tập quán, các di sản văn hóa dân gian...).
Trong thời gian vừa qua, tỉnh Lạng Sơn đã tích cực tổ chức xúc tiến thương mại các sản phẩm đặc sản địa phương (trên 50 cuộc) thông qua hoạt động trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại các hội nghị, hội thảo. Các sản phẩm được bảo hộ và trong quá trình xác lập quyền SHCN đều được hỗ trợ thiết kế bao bì, nhãn mác, xây dựng cơ chế quản lý nhãn hiệu tập thể, xây dựng các tài liệu kỹ thuật sản xuất nhằm duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa được bảo hộ nhãn hiệu. Hỗ trợ tham gia các hội chợ, triển lãm, trưng bày nhằm quảng bá sản phẩm và từng bước xác lập các kênh tiêu thụ, kết nối thương mại.
Các hoạt động nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, xúc tiến thương mại gắn với từng sản phẩm hàng hoá được đẩy mạnh. Thông qua sự hỗ trợ của nhà nước và nỗ lực của các doanh nghiệp, tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm đặc sản của địa phương, thị trường một số sản phẩm được bảo hộ SHCN của tỉnh Lạng Sơn liên tục được mở rộng, giá trị kinh tế tăng cao, tạo niềm tin, động lực cho người lao động. Từ đó khuyến khích họ tích cực áp dụng khoa học và công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; đồng thời phát huy vai trò trong việc quản lý và phát triển quyền SHCN.
Nhằm tiếp tục duy trì, phát triển và nâng cao giá trị các sản phẩm nông sản đặc sản, thời gian qua các tổ chức, cá nhân, các chủ thể TSTT đã phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, liên kết tiêu thụ cho sản phẩm đặc sản, sản phẩm chủ lực của địa phương. Các đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức cấp phát bao bì, tem nhãn bao gói sản phẩm cho các hợp tác xã sản xuất, các tổ chức, cá nhân theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Khuyến khích, thúc đẩy các hoạt động sáng tạo
Công tác sáng kiến trên địa bàn tỉnh trong thời gian vừa qua đã góp phần thúc đẩy phong trào thi đua lao động sáng tạo của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, khuyến khích các tổ chức, cá nhân mạnh dạn phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các sáng kiến vào thực tế. Chất lượng sáng kiến nhìn chung đã được nâng cao, nội dung sáng kiến được lựa chọn phù hợp với năng lực, nhiệm vụ và thực tiễn công tác. Trong giai đoạn vừa qua (2016-2021), tổng số hồ sơ đề nghị công nhận sáng kiến cấp tỉnh là 171 của 19 cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh (trong đó số hồ sơ được công nhận sáng kiến cấp tỉnh là 84, chiếm tỷ lệ 49,1%). Cũng trong giai đoạn này, các cơ quan chức năng đã tổ chức 13 hội nghị tập huấn kỹ năng thực hiện và viết sáng kiến tại các huyện với trên 2.800 lượt người tham dự.
Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Lạng Sơn được tổ chức đều đặn nhằm thúc đẩy phong trào lao động sáng tạo của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh, thúc đẩy áp dụng có hiệu quả các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong giai đoạn 2016-2020, các hội thi đã thu hút 213 giải pháp gửi tham dự, trong đó có 75 giải pháp đoạt giải cấp tỉnh, 2 giải pháp đạt giải cấp quốc gia. Bên cạnh đó, các cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên nhi đồng cũng được tỉnh tổ chức nhằm khuyến khích các em học sinh tham gia nghiên cứu khoa học, phát triển tư duy, kỹ năng sáng tạo, vận dụng để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn, từ đó góp phần nâng cao năng lực toàn diện và phẩm chất của các em. Giai đoạn 2016-2020, các cuộc thi đã thu hút 593 sản phẩm, mô hình tham gia (trong đó có 111 giải cấp tỉnh, 9 giải cấp quốc gia).
Các cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được tỉnh Lạng Sơn được tổ chức từ năm 2019 nhằm tìm kiếm, khuyến khích, thúc đẩy sự phát triển của những ý tưởng, dự án, sản phẩm, mô hình kinh doanh, doanh nghiệp khởi nghiệp mang tính đổi mới sáng tạo, có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên việc khai thác TSTT, công nghệ, mô hình kinh doanh mới trên địa bàn tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Trong 2 năm (2019, 2020) đã có 82 dự án dự thi, trong đó có 14 dự án đoạt giải cấp tỉnh.
*
* *
Nhìn chung, trong thời gian qua, các đơn vị quản lý, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền, tạo lập, quảng bá, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, khuyến khích, thúc đẩy các hoạt động sáng tạo… Kết quả cho thấy, công tác xác lập quyền SHTT cho các sản phẩm của tỉnh đã tạo tiền đề quan trọng và là sức bật thực hiện thành công các chương trình: mỗi xã một sản phẩm, xây dựng nông thôn mới hay các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác của tỉnh. Sản phẩm nông sản của tỉnh sau khi xác lập quyền SHTT đều tăng sản lượng tiêu thụ, tăng giá trị sản phẩm; qua đó thúc đẩy ngành nông nghiệp của tỉnh phát triển, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân.
Vy Thị Thúy
Sở Khoa học và Công nghệ Lạng Sơn