Sử dụng gradient chuẩn hóa toàn phần trên dữ liệu dị thường trọng lực để nghiên cứu cấu trúc sâu ở tỉnh Bạc Liêu
Gradient chuẩn hóa toàn phần là một trong những phương pháp địa vật lý nhằm nghiên cứu cấu trúc sâu như xác định dầu khí, mỏ quặng, vị trí tâm vật thể. Trong bài báo này, số liệu dị thường trọng lực được phân tích vận dụng thuật toán kết hợp giữa sự thay đổi của hệ số N và sự khai triển trường thế trọng lực theo chuỗi Fourier để xác định gradient tương ứng.
Gradient chuẩn hóa toàn phần cực đại sẽ được tính toán dựa trên việc lựa chọn tối ưu các giá trị gradient chuẩn hóa. Cấu trúc địa chất được nghiên cứu (hoặc vật thể lạ) sẽ xuất hiện tại vị trí mà giá trị gradient chuẩn hóa toàn phần là cực đại tương ứng với độ sâu xác định. Từ việc tính toán các mô hình lý thuyết, phương pháp độ lớn gradient chuẩn hóa cực đại được sử dụng với tham số hài N và độ sâu nguồn dị thường trọng lực đã được thiết lập. Sau khi xác minh độ tin cậy và tính khả thi của phương pháp được đề xuất trên dữ liệu mô hình lý thuyết, quy trình phân tích để xác định các nguồn dị thường trọng lực đã được xây dựng và áp dụng cho tuyến đo trọng lực tiêu biểu ở tỉnh Bạc Liêu.
Thăm dò trọng lực là phương pháp Địa vật lý nghiên cứu cấu trúc bên trong vỏ Trái đất, cấu tạo địa chất, tìm kiếm và thăm dò các loại khoáng sản dựa trên việc nghiên cứu sự phân bố của trường trọng lực trên mặt đất. Thực tế, hiện nay có nhiều phương pháp thăm dò trọng lực được áp dụng để nghiên cứu cấu trúc sâu như phương pháp thuật toán tiến hóa (Liệt và ctv., 2009), phương pháp compact (Liệt và Cường, 2018). Ngoài ra, phương pháp Gradient chuẩn hóa toàn phần cũng được áp dụng rất hiệu quả trong công tác xử lý, phân tích và minh giải tài liệu địa vật lý với mục đích xác định và khoanh vùng dị thường địa vật lý và tìm kiếm trực tiếp dầu khí (Berezkin, 1967).
Ở phương pháp này, dữ liệu trọng lực được phân tích bằng cách sử dụng thuật toán kết hợp sự thay đổi của hệ số N với sự khai triển trường thế từ chuỗi Fourier để xác định gradient tương ứng. Gradient chuẩn hóa toàn phần cực đại sẽ được xác định dựa trên các giá trị gradient chuẩn hóa toàn phần vừa tìm được bằng đạo hàm bậc hai. Cấu trúc địa chất (hoặc dị vật) nghiên cứu sẽ định vị tại nơi gradient toàn phần cực đại, qua đó độ sâu sẽ được xác định.
Trong bài báo này, phương pháp gradient chuẩn hóa toàn phần được sử dụng để tiến hành nghiên cứu và xác lập mối liên hệ giữa hệ số N và cực trị của gradient chuẩn hóa toàn phần (NFG) với độ sâu xác định tới nguồn thông qua một số tính toán trên các mô hình lý thuyết. Từ những nhận định về độ chính xác và sự hiệu quả của phương pháp đề xuất, việc tiến hành áp dụng thực tiễn trên một tuyến đo dị thường trọng lực được chọn lựa để minh giải cấu trúc dị vật chôn sâu của khu vực nghiên cứu.
nqhuy
Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 58, Số chuyên đề: Khoa học tự nhiên (2022)(1): 38-44