SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Phân lập và xác định đặc tính của vi khuẩn bản địa cho sản xuất chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản ở Bạch Long, tỉnh Nam Định

[12/09/2022 10:08]

Thức ăn bổ sung probiotic có thể cải thiện sức khỏe và dinh dưỡng của vật nuôi, nhưng vi khuẩn tương ứng chủ yếu được phân lập từ vật chủ máu nóng trên cạn, hạn chế ứng dụng hiệu quả trên tôm, cá và ngao.

Chế phẩm sinh học từ loài vi khuẩn bản địa thích nghi với đường tiêu hóa của các loài thủy sản tương ứng do đó sẽ hiệu quả hơn. Trong nghiên cứu này, 194 chủng vi khuẩn đã được phân lập từ hệ tiêu hóa của ngao, tôm, và cá. Chủng TON1.4 cho thấy hoạt tính enzyme ngoại bào cao và khả năng ức chế các chủng vi khuẩn kiểm định tốt nhất. Kết quả giải trình tự gen 16S rDNA cho thấy chủng TON1.4 là Bacillus amyloliquefaciens. Hơn nữa, chủng TON1.4 cũng có khả năng chịu được pH từ 5 đến 9, nồng độ muối từ 0,5 đến 6%. Chiến lược phân lập và xác định đặc điểm của các chủng vi khuẩn bản địa được trình bày có tiềm năng cho sản xuất probiotic ,có thể dễ dàng thích nghi với các loài thủy sản khác.

Ngành thủy sản ở Việt Nam nói chung và Nam Định nói riêng đang được đầu tư và phát triển mạnh. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, việc thâm canh hóa với mật độ cao kèm khí hậu thay đổi thất thường làm bùng phát dịch bệnh trên động vật thủy sản. Thêm vào đó, chất lượng nước và môi trường nuôi bị ô nhiễm làm ảnh hưởng đến sản lượng nuôi. Mặt khác, việc sử dụng thuốc kháng sinh để trị bệnh trên động vật thủy sản thường xuyên và không đúng liều lượng đã tạo ra một số dòng vi khuẩn kháng thuốc (World Bank, 2013).

Việc sử dụng các hoá chất trên toàn thế giới trong các ngành công nghiệp khác nhau ngày càng tăng và có ảnh hưởng tới sức khoẻ con người. Ngoài ra, việc thay thế các hoá chất độc hại bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường đang ngày càng được quan tâm và phát triển. Do đó, cần phải có một giải pháp cải thiện chất lượng môi trường nuôi mà không ảnh hưởng đến động vật thủy sản và con người (Cabello et al., 2013; Madhana et al., 2021; Mondal et al., 2022).

Hiện nay, việc sử dụng vi sinh vật hữu ích vào trong nuôi trồng thủy sản nhằm khắc phục những vấn đề trên là một giải pháp đang được ứng dụng rộng rãi. Theo Bao and Shen (2005), hệ thống nuôi thủy sản bền vững cần có sự hiện diện của nhóm vi khuẩn có lợi. Nhóm vi khuẩn này không chứa độc tố, không hiệu ứng phụ, không tồn lưu và không kháng kháng sinh. Nhóm vi khuẩn này hiệu quả trong việc cải thiện môi trường,tăng hệ miễn dịch của vật nuôi, giảm stress và duy trì trạng thái cân bằng của hệ sinh thái thủy vực (Hoseinifar et al., 2018; Madhana et al., 2021). Vi khuẩn được biết đến là một trong những đối tượng quan trọng nhất trong sản xuất các hợp chất có hoạt tính sinh học và các chủng Bacillus sp được biết đến là chủng có khả năng phân giải các hợp chất hữu cơ trong đất nhờ các hoạt chất enzyme như protease, amylase, cellulase, .... góp phần khép kín vòng tuần hoàn vật chất trong tự nhiên (Madhana et al., 2021). Đặc tính này còn được ứng dụng trong quá trình chế biến phân huỷ rác.

Trong quá trình sống, vi khuẩn tiết ra nhiều chất có hoạt tính sinh học cao, có khả năng kháng lại các loài vi sinh vật khác nhau như nấm và vi khuẩn. Việc tìm kiếm các chủng vi khuẩn mới có khả năng thích nghi,ứng dụng cao và phát triển phục vụ cho nuôi trồng thủy sản là rất cần thiết.

nqhuy

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 58, Số chuyên đề: Khoa học tự nhiên (2022)(2): 94-101
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ