SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Phân tích hàm lượng dược chất và đa dạng di truyền của một số giống Đinh Lăng thuộc chi Polyscias

[12/09/2022 10:24]

Các yếu tố môi trường và thời gian sinh trưởng có tác động rất lớn đến hàm lượng các chất trong cây. Việc khảo sát ảnh hưởng của điều kiện địa lý và thời gian sinh trưởng lên hàm lượng một số hợp chất trong cây đinh lăng (Polyscias sp.) và sự đa dạng di truyền đã được thực hiện tại Trường Đại học Cần Thơ từ tháng 01/2019 đến 12/2020.

Kết quả cho thấy, thời gian sinh trưởng và loại mẫu có ảnh hưởng đến hàm lượng chất trong cây đinh lăng. Trong đó, cây 5 năm tuổi có hàm lượng tannic acid, quercetine, veratrine và thiamine (lần lượt là 88,71, 3,86, 1,09 và 0,1 mg/g) cao nhất. Rễ của cây đinh lăng chứa nhiều dược chất hơn các phần khác. Cây trồng ở Cà Mau và An Giang có hàm lượng dược chất cao hơn khi trồng ở Hậu Giang và Cần Thơ. Dựa vào trình tự ITS cho thấy, 09 mẫu đinh lăng thu thập tại Cà Mau, Cần Thơ, Hậu Giang và An Giang, thuộc các loài Polyscias sp., P. fruticosa, P. quilfoylei và P. scutellaria có sự đa dạng di truyền.

Chi Polyscias gồm các loại định lăng với các dạng lá khác nhau (thuộc họ Nhân sâm, Araliaceae), được xem là dược liệu quý do chứa nhiều dược chất như: glucosid, alkaloid, saponin, tannin, acid amin, vitamin B1,… (Hộ, 2000). Các dược chất này không những có tác dụng bồi dưỡng sức khỏe mà còn chữa được nhiều loại bệnh như: dị ứng, ho ra máu, làm lành vết thương, bệnh thận, kiết lỵ, tác dụng giải độc thức ăn, thoái hóa đốt sống lưng, thông huyết mạch, bồi bổ khí huyết,... (Lợi, 1995; Hộ, 2000). Bên cạnh đó, đinh lăng còn giúp tăng cường sinh lực, tăng tính hòa tan các dược chất khác, chống viêm, kháng khuẩn, ức chế hoạt động của virus, tăng tính thấm biểu mô đường hô hấp, an thần, chống oxy hóa, giảm stress (Lợi, 1995). Theo Hương và Bích (2001), ở Việt Nam, đinh lăng có các tác dụng dược lý tương tự như sâm nhưng giá thành lại rẻ và dễ trồng hơn sâm. Chính vì thế, ngày nay, đinh lăng được trồng khá phổ biến, thậm chí có nhiều vùng chuyên canh trồng đinh lăng để làm nguyên liệu cho ngành dược. Cho đến nay, việc thu hoạch đinh lăng chỉ dựa vào kinh nghiệm của người trồng. Do đó, việc xác định thời gian thu hoạch kể từ khi trồng loại cây này để có giá trị kinh tế cao mà đảm bảo hàm lượng các dược chất là vấn đề cần được quan tâm nghiên cứu.

Cây đinh lăng gồm các giống đinh lăng lá nhỏ, lá tẻ, lá to, lá bạc,... Tuy nhiên, rất ít người biết cách phân biệt các giống đinh lăng một cách khoa học ngoại trừ những người làm nghiên cứu. Ngoài ra, các nghiên cứu trên cây đinh lăng chủ yếu chỉ dừng lại ở mức phân tích hàm lượng dược chất từ nguồn vật liệu có sẵn trong tự nhiên, chưa có nhiều nghiên cứu về khảo sát tác động của các yếu tố ngoại cảnh (độ tuổi cây, dinh dưỡng, ánh sáng, nhiệt độ…) lên hàm lượng các dược chất nêu trên cũng như phân tích sự đa dạng di truyền của các giống đinh lăng được trồng tại Việt Nam bằng kỹ thuật sinh học hiện đại một cách rõ ràng. Do đó, trong nghiên cứu này, phân tích hàm lượng dược chất và đa dạng di truyền của một số giống đinh lăng thuộc chi Polyscias đã được thực hiện.

nqhuy

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 58, Số chuyên đề: Khoa học tự nhiên (2022)(2): 9-17
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ