SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Khảo sát hàm lượng Polyphenol, Flavonoid và hoạt tính sinh học của cao chiết từ vỏ chôm chôm (Nephelium lappacium L.)

[12/09/2022 10:27]

Để tận dụng tối ưu nguồn phụ phẩm trong nông nghiệp và trong chế biến thực phẩm, các mẫu cao chiết từ vỏ của 3 giống chôm chôm (Nephelium lappacium L.) được khảo sát sơ bộ về thành phần hóa học, phát hiện có chứa các nhóm chất như: polyphenol, flavonoid, triterpenoid, carotenoid, proanthocyanidin saponin, tannin, hợp chất polyuronic, acid hữu cơ và chất khử.

Hàm lượng polyphenol, flavonoid và khả năng bắt gốc tự do DPPH cũng được xác định, nổi bật nhất là cao chiết từ vỏ chôm chôm nhãn với kết quả tương ứng là 199,65 mg GAE/g; 457,44 mg QE/g (dược liệu khô) và IC50, DPPH = 33,28 µg/mL. Bên cạnh đó, các mẫu cao chiết trong nghiên cứu này cũng thể hiện khả năng cao trong việc ức chế hoạt động của enzyme α-glucosidase, làm chậm quá trình hấp thu đường vào máu cũng như khả năng gây độc tế bào ung thư vú (MCF-7), các kết quả tương ứng là IC50, α-glucosidase từ 1,61 đến 5,96 µg/mL và phần trăm khả năng gây độc tế bào ung thư vú ở nồng độ 150 μg/mL từ 81,73% đến 82,06%.

Theo Dubey et al. (2004), có khoảng 80% dân số thế giới tin dùng các loại thảo dược do chứa nhiều các hợp chất tự nhiên có tác dụng kháng oxy hóa mạnh, ngăn ngừa stress và các bệnh mãn tính. Bên cạnh đó, các chất kháng oxy hóa tự nhiên như polyphenol và flavonoid còn được xem là những chất có khả năng chống ung thư, hạ đường huyết, chống lão hóa và phòng ngừa các bệnh tim mạch (Dixon et al., 2005). Các nghiên cứu gần đây trên thế giới về thành phần hóa học và hoạt tính sinh học của vỏ chôm chôm (N. lappacium L.) cho thấy khả năng kháng oxy hóa, kháng khuẩn, chống viêm do chứa ellagic acid, corilagin, geraniin (Thitilertdecha et al., 2008; Khonkarn et al., 2010; Palanisamy et al., 2011; Fidrianny et al., 2015; Soeng et al., 2015). Tại Việt Nam, các khảo sát của Thông và ctv. (2011) đã chỉ ra tác dụng bảo vệ gan của vỏ chôm chôm, đồng thời không ảnh hưởng đến các thông số sinh hóa và huyết học khi sử dụng trong thời gian dài. Theo kết quả nghiên cứu của Thảo và ctv. (2012), quá trình phân lập và định danh cấu trúc hóa học từ vỏ chôm chôm thu được 3 hợp chất flavonoid glycosid là kaempferol 7-O-α-L-rhamnopyranoside, kaempferol 3-O-α-L-rhamnopyranoside và kaempferol 3-O-β-D-glucopyranoside 7-O-α-L[1] rhamnopyranoside có khả năng khử gốc tự do, ngừa ung thư, các bệnh về gan và tim mạch.

Nghiên cứu này được tiến hành trên các mẫu cao chiết ethanol 96% từ vỏ của 3 giống chôm chôm ở đồng bằng sông Cửu Long, gồm: Chôm chôm nhãn (i), chôm chôm Thái (ii) và chôm chôm Java (iii). Các mẫu cao được xác định thành phần hóa thực vật, hàm lượng polyphenol, flavonoid toàn phần và một số hoạt tính sinh học như kháng oxy hóa, ức chế α[1]glucosidase và gây độc tế bào ung thư vú (MCF-7).

nqhuy

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 58, Số chuyên đề: Khoa học tự nhiên (2022)(2): 74-82
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ