Công nghiệp kết nối và những gợi suy đối với Việt Nam
Thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) là mục tiêu hàng đầu hiện nay của các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Phát triển Công nghiệp kết nối có thể trở thành một định hướng quan trọng giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn quá độ của Công nghiệp 4.0. Trong môi trường sản xuất, doanh nghiệp cần xác định hiện trạng, nắm bắt những cơ hội chuyển đổi cơ cấu công nghiệp, nâng cao nhận thức và từng bước thực hiện tầm nhìn của Công nghiệp 4.0 như phân tích công nghệ dữ liệu lớn, tích hợp chuỗi giá trị, khả năng ra quyết định linh hoạt… Từ đó, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp trên thị trường quốc tế.
Bốn chìa khóa để thúc đẩy Công nghiệp kết nối cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa
Thứ nhất, kinh nghiệm quản lý, hệ thống hóa và số hóa các lợi thế sản xuất hiện có: ngành công nghiệp sản xuất của các nước đang phát triển tạo ra tài chính kinh tế nhưng nó phụ thuộc vào các nhân viên, chuyên gia và giáo sư giàu kinh nghiệm. Kinh nghiệm và trí tuệ của doanh nghiệp sẽ biến mất khi họ dừng làm việc. Nếu các nước đang phát triển không thúc đẩy chuyển đổi số, số hóa lợi thế sản xuất và sức mạnh quản lý của chính họ thì khả năng cạnh tranh cốt lõi mà các doanh nghiệp từng sở hữu có thể dần biến mất.
Thứ hai, vòng đời sản phẩm và quản lý doanh thu: đáp ứng nhu cầu thị trường hiện tại, các sản phẩm và dịch vụ ngày càng được “cá nhân hóa”. Làm thế nào để tạo ra giá trị cao hơn là mục tiêu chiến lược hiện tại của hầu hết các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài lớn đã tăng cường lượng dữ liệu và khai thác thông tin của các nhà sản xuất trong chuỗi cung ứng thông qua các nền tảng như công nghệ đám mây, mạng và thiết bị đầu cuối, nhằm giảm lãng phí hàng tồn kho và nâng cao hiệu quả của toàn bộ chuỗi công nghiệp. Qua đó, họ sẵn sàng đáp ứng được nhu cầu linh hoạt của sản xuất thông minh.
Thứ ba, tích hợp phần mềm, phần cứng và phân tích: đầu tiên, doanh nghiệp cần tận dụng các nguồn lực, thế mạnh sẵn có, đồng thời trang bị các công nghệ hiện đại và tìm kiếm thêm các nguồn lực mới, kết hợp kinh nghiệm của các nhà quản lý cấp cao để đưa ra các quyết định linh hoạt và chính xác, nhằm tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả hơn trước. Nói cách khác, các doanh nghiệp nên tích hợp các thiết bị phần cứng và phần mềm với phân tích công nghệ dữ liệu để ra quyết định sản xuất thông minh. Trong tương lai, ngay cả khi các doanh nghiệp muốn phát triển từ Công nghiệp kết nối lên Công nghiệp 4.0, họ sẽ vững chắc hơn so với những doanh nghiệp “nhảy trực tiếp” lên Công nghiệp 4.0.
Thứ tư, phát triển bền vững, nâng cao quản lý chuỗi cung ứng xanh: phát triển bền vững nền kinh tế tuần hoàn và chuỗi cung ứng xanh không chỉ là trách nhiệm của doanh nghiệp mà còn là xu hướng phát triển công nghệ sản xuất. Các nước phát triển đang hướng tới quá trình sản xuất ô nhiễm bằng 0. Do đó, các nhà máy cần tăng cường phát triển bền vững và khả năng quản lý chuỗi cung ứng xanh, đặc biệt là trong các lĩnh vực phục hồi nguồn lực và nền kinh tế tuần hoàn.
Một số gợi suy đối với Việt Nam
Một là, xây dựng và triển khai chiến lược tiêu chuẩn hoá của Việt Nam: để bắt kịp và làm chủ công nghệ trong công nghiệp, Việt Nam cần xây dựng và triển khai các bản đồ công nghệ gắn với bản đồ tiêu chuẩn hóa.
Hai là, chuyển từ mô hình “Chính phủ điện tử” thành “Chính phủ dữ liệu”. Dữ liệu thực sự là “nguồn tài nguyên mới”, có tiềm năng biến đổi kinh tế và xã hội. Dữ liệu “thô” có thể được chiết xuất, tinh chế, giá trị của nó sẽ tăng cao. Big Data và trí tuệ nhân tạo (AI) là công cụ để “chế biến” các dữ liệu “thô”, gửi lại các dữ liệu “tinh” để con người sử dụng. Chính phủ cần phải thiết kế, xây dựng các quy định mới và hình thành một nền văn hoá mới về quản lý dữ liệu.
Ba là, tập trung nghiên cứu, phát triển nhóm công nghệ dịch vụ dựa trên nền tảng của an ninh số, internet vạn vật (IoT), Big Data, phân tích dữ liệu dựa trên AI.
Cuối cùng, cần triển khai Chương trình nghiên cứu tổng thể về xã hội học của nền kinh tế số. Trong đó tập trung nghiên cứu các đặc trưng của nền Công nghiệp kết nối, nhấn mạnh sự tương tác giữa con người, máy móc, thiết bị, dữ liệu… sẽ ảnh hưởng đến một hình thái xã hội mới; vị trí trung tâm của con người trong xã hội số; vai trò quản lý điều hành của một “Chính phủ dữ liệu”; các thách thức của nền kinh tế (năng lượng bền vững và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng; đảm bảo nguồn tài nguyên bền vững và việc tái sử dụng; bảo vệ nguồn cung cấp lương thực…); các vấn đề an ninh quốc gia; đạo đức trong AI…
Bài viết được tóm tắt từ bài viết của tác giả TS Hà Minh Hiệp - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ khoa học và Công nghệ.
ntptuong
Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam số 9 năm 2022 (trang 4-6)