SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Chính sách vượt trội cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam

[16/09/2022 09:36]

Chính sách vượt trội đang thu hút nhiều sự quan tâm nhằm tạo ra những thay đổi mạnh mẽ trong phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) ở Việt Nam. Tuy nhiên, chính sách vượt trội về KH,CN&ĐMST là vấn đề phức tạp, bài viết sẽ phân tích và làm rõ một số khía cạnh cần chú ý của loại hình chính sách này.

Đặc điểm của chính sách vượt trội về KH,CN&ĐMS

- Phạm vi của chính sách được định vị bởi các giới hạn như: vai trò vượt trội khác với vai trò bình thường của KH,CN&ĐMST; sự khác biệt được thể hiện ở sự đột phá, dẫn dắt và mở đường cho phát triển kinh tế - xã hội; vượt trội về KH,CN&ĐMST gắn với mục tiêu phát triển chung, tổng quát của quốc gia; đối tượng của chính sách là những lực lượng, thành phần được xác định cụ thể.

- Chính sách vượt trội về KH,CN&ĐMST bao gồm nhiều loại khác nhau tùy theo đối tượng cụ thể, công cụ chính sách cụ thể, định hướng cụ thể. KH,CN&ĐMST có vai trò vượt trội là nhờ đặc điểm riêng của mình, nhưng không phải tất cả các “đặc thù” đều trở thành “vượt trội” và không phải lúc nào “đặc thù” cũng là “vượt trội”.

- Việc xây dựng và thực thi chính sách vượt trội về KH,CN&ĐMST phụ thuộc vào những điều kiện: vai trò vượt trội được xác định rõ và có tính thuyết phục, xác định cụ thể các đối tượng hướng tới của chính sách vượt trội, có sự thống nhất và đồng thuận chung của các bộ/ ngành, có phương thức quản lý và năng lực quản lý phù hợp, có nguồn lực đảm bảo… và đặc biệt là quyết tâm, ý chí của cấp lãnh đạo cao nhất được thể hiện rõ ràng, mạnh mẽ và kiên quyết.

- Vai trò vượt trội về KH,CN&ĐMST cần được thể hiện ở những định hướng chiến lược vượt trội. Ứng với vai trò vượt trội của KH,CN&ĐMST, định hướng vượt trội của KH,CN&ĐMST có đặc điểm là vừa phát triển đi trước kinh tế - xã hội, vừa gắn kết chặt chẽ với kinh tế - xã hội. Chỉ có vậy, KH,CN&ĐMST mới đảm nhiệm được sứ mệnh dẫn dắt phát triển kinh tế - xã hội.

- Việt Nam đã chú ý đến các dạng phát triển tuần tự, đi tắt và đón đầu, thể hiện dưới nhiều góc độ như: gắn công nghiệp hóa với hiện đại hóa (từ Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII); rút ngắn thời gian công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vừa có những bước tuần tự, vừa có bước nhảy vọt (từ Ðại hội Ðảng lần thứ IX); phát triển kinh tế tri thức (từ Đại hội Ðảng lần IX); tiếp cận Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ chính trị, ngày 22/3/2018).

Chính sách vượt trội về KH,CN&ĐMST ở Việt Nam trong giai đoạn tới

Về đầu tư, tài chính: cần tập trung vào 3 vấn đề lớn: (i) triển khai nghiên cứu, ứng dụng phát triển công nghệ trong các lĩnh vực KH&CN ưu tiên. Hỗ trợ nhập khẩu công nghệ nguồn, công nghệ cao, mua thiết kế, thuê chuyên gia trong nước và nước ngoài thuộc các lĩnh vực ưu tiên. Hỗ trợ đầu tư từ ngân sách nhà nước để nâng cao tiềm lực cho một số tổ chức KH&CN ngoài công lập có tiềm năng phát triển, hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ trong các lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm; (ii) dành nguồn lực tăng cường khả năng hấp thụ công nghệ, ứng dụng có chọn lọc các thành tựu KH&CN tiên tiến của thế giới nhằm phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm cạnh tranh chiến lược của quốc gia; (iii) tăng cường đầu tư cho xây dựng và tạo điều kiện phát huy tác dụng của các tổ chức KH&CN đẳng cấp quốc tế. Khuyến khích và hỗ trợ tài chính cho các loại hình tổ chức mới như trung tâm đổi mới sáng tạo; (iv) đầu tư triển khai một số dự án KH&CN quy mô lớn phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc có tác động mạnh mẽ đến năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm quốc gia.

Về nhân lực KH&CN: chú trọng đào tạo nhân lực trong các lĩnh vực KH&CN ưu tiên; xây dựng chính sách phát triển và tạo điều kiện phát huy tác dụng của đội ngũ nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư; hỗ trợ cán bộ KH&CN đi làm việc và thực tập có thời hạn tại các tổ chức KH&CN, doanh nghiệp ở nước ngoài để học hỏi kinh nghiệm.

Về tổ chức: ưu tiên xây dựng một số tổ chức KH&CN đạt trình độ thế giới, làm hạt nhân cho việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng KH&CN ở các lĩnh vực được ưu tiên. Khuyến khích, hỗ trợ phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo.

Về cơ sở hạ tầng: ưu tiên đầu tư tăng cường năng lực hệ thống phòng thí nghiệm trọng điểm, phòng thí nghiệm chuyên ngành phục vụ trực tiếp việc phát triển các sản phẩm chủ lực và công nghệ ưu tiên.

Về nhiệm vụ KH&CN: tập trung vào các nhiệm vụ KH&CN phục vụ các lĩnh vực ưu tiên, sản phẩm chủ lực, sản phẩm cạnh tranh chiến lược của quốc gia; chú trọng thu hút chuyên gia quốc tế từ các tổ chức KH&CN tiên tiến trên thế giới tham gia xây dựng các nhiệm vụ KH&CN quan trọng.

Về hoạt động KH,CN&ĐMST trong doanh nghiệp: thúc đẩy phát triển các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN trong các lĩnh vực, ngành công nghiệp chủ lực, ưu tiên.

Bài viết được tóm tắt từ bái viết của tác giả Hoàng Xuân Long, Hoàng Lan Chi - Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Bộ Khoa học và Công nghệ.

ntptuong

Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam số 9 năm 2022 (trang 11-13)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ