Hệ tri thức Việt số hóa: Vì tương lai Việt Nam
Nhằm xây dựng một hệ tri thức tổng hợp trong mọi lĩnh vực, góp phần thúc đẩy, tạo điều kiện để mọi người dân học tập suốt đời, làm chủ tri thức, tăng cường nghiên cứu sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN), thúc đẩy phát triển đất nước, Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 677/QĐ-TTg, ngày 18/05/2017. Đây cũng là nền tảng kiến tạo những cơ hội lớn, thực tiễn cho phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Ngày 10/01/2018, cổng thông tin Hệ tri thức Việt số hoá đã được khởi động. Đến nay, Đề án đã hoàn thiện Platform Hệ tri thức và đẩy mạnh một số dự án thành phần trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Sự ra đời của Hệ tri thức Việt số hóa
Với sự phát triển của công nghệ thông tin, việc truyền đạt và phổ biến tri thức cũng phải chuyển dần từ phương thức dạy kiến thức chuyên môn theo khuôn mẫu định sẵn sang phương thức dạy cách tự học, từ phương thức học theo bằng cấp sang phương thức học suốt đời. Việc học tập không chỉ thực hiện ở trường mà có thể ở nhà hoặc ở bất cứ đâu. Cơ hội học tập không chỉ dành cho lứa tuổi cắp sách đến trường mà với bất cứ ai. Triết lý xã hội học tập, học tập suốt đời dần phổ biến và thịnh hành.
Mặc dù vai trò của tri thức KH&CN đối với sự phát triển kinh tế - xã hội là không thể phủ nhận, song nhận thức và hiểu biết về KH&CN của người dân Việt Nam trên thực tế còn nhiều hạn chế. Theo điều tra của Cục Thông tin KH&CN Quốc gia (năm 2014), hầu hết người dân chỉ “biết đến” mà chưa “biết sâu” những kiến thức KH&CN; con đường tiếp cận thông tin về KH&CN chủ yếu qua tivi và internet. Việc phổ biến tri thức KH&CN tới người dân nước ta hiện nay gặp một số khó khăn cần giải quyết. Cụ thể như việc chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức, đặc biệt là từ các cơ quan nhà nước chưa tốt. Các cơ quan ít có thói quen tổ chức thông tin một cách bài bản thành các cơ sở dữ liệu, đồng thời không muốn chia sẻ các nguồn tài nguyên số đang nắm giữ. Nhiều nơi chưa có quy định về những thông tin có thể công bố, chia sẻ với công chúng. Bên cạnh đó, lượng thông tin trên internet hiện nay là khổng lồ song không có sự định hướng, chọn lọc, nhất là những thông tin liên quan đến quyền và lợi ích thiết thực của người dân, thông tin về chăm sóc sức khỏe, an toàn vệ sinh thực phẩm... Do đó, cần thiết phải xây dựng được hệ thống tri thức số hóa có phân loại, sắp xếp và độ chính xác cao, có định hướng nội dung thông tin phù hợp và hữu dụng cho người dân.
Thành quả từ Đề án
Phương thức triển khai xây dựng Hệ tri thức Việt số hóa là huy động sự tham gia của mọi người dân, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, thanh niên, sinh viên, khơi dậy niềm tự tôn dân tộc và kích thích óc sáng tạo, nhiệt huyết tham gia đóng góp vì một xã hội tri thức phát triển, hoạt động theo nguyên tắc “Tự nguyện - Minh bạch - Mở - Bình quyền - Cùng có lợi”. Hệ tri thức Việt số hóa cơ bản được tạo từ 4 nguồn chính:
Một là, nguồn tri thức cơ bản sẵn có: các nguồn dữ liệu, thông tin công bố công khai từ các cơ quan nhà nước, hệ thống văn bản pháp luật, các đề tài, dự án nghiên cứu, các bài báo khoa học, sáng chế, thông tin sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, mô hình ứng dụng thành công KH&CN trong sản xuất và đời sống...
Hai là, nguồn tri thức nhân loại: huy động tất cả các nguồn lực đặc biệt là thanh niên, học sinh, sinh viên, trí thức trẻ tham gia Việt hóa, tổng hợp, thống kê, số hóa các nguồn tri thức chung, tri thức cơ bản từ các hệ tri thức của Việt Nam kết hợp với hệ tri thức của nhân loại như các bách khoa toàn thư, Wikipedia... thông qua hình thức tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức, các đợt phát động, các hoạt động vinh danh cá nhân, tổ chức và cộng đồng. Từng bước đẩy mạnh các hoạt động này thành phong trào toàn dân.
Ba là, nguồn tri thức cộng đồng, đó là sự tham gia của cộng đồng và người sử dụng. Các cộng đồng người dùng về các chủ đề khác nhau được tạo ra để xây dựng và sử dụng tri thức cùng các ứng dụng hỗ trợ, đồng thời đóng vai trò chủ chốt trong việc: đặt câu hỏi, ra yêu cầu, thảo luận trên các nội dung được cung cấp; cập nhật dữ liệu theo mô hình chia sẻ và đóng góp; được vinh danh, ghi nhận sự đóng góp với cộng đồng; được cử đại diện tham gia ban chỉ đạo để đảm bảo nhu cầu của cộng đồng được duy trì.
Bốn là, nguồn tri thức từ các doanh nghiệp nòng cốt. Sau khi Quyết định 677/QĐ-TTg được ban hành, Bộ KH&CN với vai trò là cơ quan thường trực của Đề án, đã hình thành nhóm nòng cốt bao gồm một số chuyên gia của Bộ KH&CN, các doanh nghiệp công nghệ thông tin và doanh nghiệp nội dung.
Bài viết được tóm tắt từ bài viết của tác giả ThS Nguyễn Mạnh Duy - Bộ Khoa học và Công nghệ.
ntptuong
Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam, số 9 năm 2022 (trang 28-30)