SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Xây dựng môi trường học tập tương tác trong dạy học để hiểu văn bản văn học cho học sinh thông qua mạng xã hội học tập EDMODO

[24/09/2022 22:29]

Ngày nay, việc sử dụng các ứng dụng trên nền tảng trực tuyến vào dạy học diễn ra khá phổ biến trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Trong đó, mạng xã hội học tập Edmodo được nghiên cứu trong dạy đọc, viết, nghe, nói như là ngôn ngữ thứ 2.

Trong nghiên cứu này, việc xây dựng môi trường học tập tương tác trong dạy kĩ năng đọc hiểu văn bản văn học cho học sinh được trình bày trên nền tảng mạng xã hội học tập Edmodo. Các tính năng của Edmodo được khai thác để tổ chức cho học sinh (HS) tương tác bao gồm Post (đăng tin), Assigment (giao bài tập), Group (chia nhóm) và Folder (lưu trữ tài nguyên). Bốn mươi lăm học sinh lớp 10 tại trường trung học phổ thông Nguyễn Trãi, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre đã tham gia tương tác trên lớp học Edmodo trong quá trình học đọc hiểu văn bản văn học. Kết quả thu được từ giao diện lớp học cho thấy, việc tổ chức cho HS tương tác trao đổi, chia sẻ trên Edmodo đã tạo môi trường học tập chia sẻ tích cực và góp phần rèn các các kĩ năng đọc hiểu của học sinh.

Việt Nam đang thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT), chuyển từ dạy học chú trọng cung cấp nội dung kiến thức sang phát triển năng lực cho người học. Với yêu cầu này, việc dạy và học môn Ngữ văn nói chung và dạy đại học (ĐH) nói riêng cần có sự điều chỉnh cả về phương pháp dạy học và hình thức tổ chức lớp học, nhằm “kích hoạt việc đọc tích cực, sáng tạo ở chủ thể đọc, phát huy vai trò đồng sáng tạo” của học sinh (HS) (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2018, tr. 81). Các em cần được tạo điều kiện và môi trường học tập “mở” để có thể tham gia thảo luận, tương tác tích cực trong tiếp nhận và kiến tạo nghĩa cho văn bản (VB). Vì thế, việc xây dựng một môi trường học tập tương tác, mang tính “mở” cho HS trong dạy ĐH là vấn đề cần thiết cần được đặt ra.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học là xu hướng phổ biến, đặc biệt trong bối cảnh nhiều trường học trên thế giới phải chuyển sang dạy học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid[1]19. Các mạng xã hội như Facebook, Twitter, Zalo, Edmodo được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực giáo dục vì nó cung cấp một nền tảng trực tuyến để kết nối giáo viên (GV) với HS, HS với HS, tạo môi trường tương tác, chia sẻ ý tưởng và không giới hạn. Edmodo là một trong những mạng cộng đồng học tập lớn nhất thế giới, được thiết kế dành riêng trong lĩnh vực giáo dục, cho phép GV tổ chức các hoạt động học tập và HS có thể thoải mái thảo luận và chia sẻ ý tưởng của bản thân về các nhiệm vụ học tập mà GV đưa ra. Từ tìm hiểu đặc tính này của Edmodo, có thể thấy, môi trường đọc tương tác trên có thể được xây dựng một cách khả thi.

Trong nghiên cứu này, việc thiết kế các bài tập ĐH trên Edmodo được trình bày nhằm tạo môi trường tương tác cho HS trao đổi, chia sẻ qua đó góp phần hình thành và phát triển kĩ năng đọc hiểu (KN ĐH) VB cho HS.

nqhuy

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 58, Số Giáo dục Đồng bằng sông Cửu Long (2022): 46-55
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ