Bào chế và khảo sát hoạt tính kháng Oxy hóa của hệ vi hạt từ Fibroin tơ tằm chứa dịch chiết hoa Wedelia trilobata L.
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá khả năng tải các hợp chất polyphenol từ dịch chiết hoa sài đất ba thùy (Wedelia trilobata L. - WT) vào vi hạt fibroin tơ tằm và khảo sát hoạt tính kháng oxy hóa của các sản phẩm, sử dụng phương pháp DPPH (2,2-Diphenyl-1-picrylhydrazyl).
Dịch chiết được nạp vào vi hạt bằng phương pháp đồng ngưng tụ. Hệ vi hạt fibroin chứa dịch chiết có kích thước trung bình là 7,11 µm, hiệu suất tải dịch chiết khá cao (74,13%) và có khả năng kiểm soát quá trình giải phóng polyphenol trong hệ đệm pH 7,4. Hơn nữa, dịch chiết WT có hoạt tính kháng oxy hóa rất cao (IC50=8,67 µg/mL) và vi hạt sau khi được tải dịch chiết cũng giữ được khả năng kháng oxy hóa (ở các mốc thời gian 30, 90, 180 phút, lần lượt là 27,89%, 44,75%, 52,61%). Do hệ vi hạt có khả năng giải phóng hoạt chất có kiểm soát, dẫn đến khả năng kháng oxy hóa của hệ phụ thuộc vào thời gian. Tóm lại, hệ vi hạt chứa cao WT là một ứng dụng tiềm năng cho các dạng thuốc phóng thích có kiểm soát.
Việc đánh giá tác dụng sinh học của các cây thuốc thảo dược và các thành phần của chúng đã giúp chuyển đổi y học cổ truyền thành một ngành công nghiệp hiện đại, đóng góp đáng kể vào dịch vụ chăm sóc sức khỏe (Ekpo et al., 2011). Sự quan tâm đối với các loại thuốc có nguồn gốc từ thực vật hiện nay trở nên phổ biến do con người ngày càng có niềm tin rằng “thuốc xanh” là an toàn và hiệu quả hơn về mặt lâm sàng, ít tốn kém và có hiệu quả cao (Joseph & Raj, 2011; Pradhan et al., 2009). Trong hầu hết các cây thuốc, nhóm hợp chất polyphenol thường được quan tâm do chứa nhiều hoạt tính có lợi như kháng viêm, kháng khuẩn, chống nhiễm trùng và kháng oxy hóa (Bazzaz et al., 2013).
Nghiên cứu và ứng dụng của polyphenol gần đây đã thu hút sự quan tâm lớn trong ngành công nghiệp thực phẩm chức năng, dinh dưỡng và dược phẩm, do những lợi ích sức khỏe tiềm ẩn của chúng đối với con người (Desai & Jin Park, 2005; Petti & Scully, 2009; Banothu, 2016).
Trong số các loài thực vật phổ biến ở Việt Nam, hoa sài đất ba thùy (Wedelia trilobata L. - WT) được biết đến như một nguồn polyphenol tốt, chứa nhiều eudesmanolide lacton và luteolin với nhiều hoạt tính sinh học cao (Ghaeli et al., 2017). WT thuộc họ cúc, là một loại cỏ dại, dây leo đất và thường tạo thành thảm dày, mọc phổ biến ở Việt Nam, nở hoa dường như liên tục quanh năm (Thaman, 1999). Từ lâu, WT đã được sử dụng làm thuốc thảo dược truyền thống ở Nam Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Việt Nam để điều trị nhiều loại bệnh (Balekar et al., 2014). Một số nghiên cứu trước đây đã chứng mình rằng trong chiết xuất từ hoa WT có chứa tanin, saponin, flavonoid, phenol, terpenoid tạo thành nhóm hợp chất polyphenol chính của loài này (Balekar et al., 2014). Các báo cáo dược lý cho thấy WT có tác dụng kháng oxy hóa, giảm đau, kháng viêm, kháng khuẩn, chữa lành vết thương, diệt ấu trùng, kháng ung thư, bảo vệ gan, chữa lành vết thương, điều trị tiểu đường và các vấn đề sinh sản ở phụ nữ (Balekar et al., 2014). Tóm lại, WT là một loại thảo dược có tiềm năng lớn để nghiên cứu sâu hơn về các hoạt động sinh học, đặc biệt là khả năng kháng oxy hóa tiềm năng của loài thực vật này.
Tuy nhiên, cấu trúc của các hợp chất polyphenol trong WT có những liên kết không bão hòa, điều đó khiến chúng dễ dàng bị oxy hóa khi tiếp xúc với ánh sáng, nhiệt độ, pH, nước và enzyme (Saenz et al., 2009). Do đó, độ ổn định của các hợp chất polyphenol nên được tăng lên bằng cách bảo vệ khỏi các tác hại vật lý và hóa học trước khi ứng dụng chúng. Một trong những cách tiềm năng là bao gói những hợp chất polyphenol này trong các vật liệu sinh học để bảo vệ chúng khỏi các tác nhân có hại từ môi trường (Desai & Jin Park, 2005).
Trong số những vật liệu sinh học đã được nghiên cứu, fibroin là một loại protein rất linh hoạt và được sử dụng nhiều trong các ngành công nghiệp dược phẩm qua nhiều thập kỷ. Cấu trúc có nhiều liên kết hydro, bản chất lưỡng tính và mức độ kết tinh linh hoạt của fibroin góp phần vào sự ổn định của vật liệu tơ sinh học (Altman et al., 2003). Fibroin đã được ứng dụng phổ biến trong y dược học như hỗ trợ kỹ thuật mô (Omenetto & Kaplan, 2010; Yucel et al., 2014) và đặc biệt là chất mang và dẫn truyền các phân tử chống oxy hóa như resveratrol (Lozano[1]Pérez et al., 2014), quercetin (Lozano-Pérez et al., 2017), curcumin (Montalbán et al., 2018; Crivelli et al., 2019), alpha mangostin (Pham et al., 2019) và các hợp chất dễ bay hơi (Elia et al., 2015). Trong lĩnh vực dẫn truyền dịch chiết dược liệu, có rất ít công bố về khả năng của fibroin trong vấn đề này: chiết xuất từ lá olive được bao bọc trong vi hạt fibroin được báo cáo bởi Bayraktar et al. (2019) và chiết xuất từ cây hương thảo được bao bọc trong hạt nano tơ tằm được báo cáo bởi Hcini et al. (2021).
Từ những hạn chế trên, nghiên cứu này được thực hiện nhằm khảo sát khả năng dẫn truyền polyphenol từ chiết xuất methanol hoa WT của vi hạt fibroin (fibroin micro-particles, FMPs), đồng thời định lượng hàm lượng polyphenol tổng trong dịch chiết, trong vi hạt và khảo sát hoạt tính kháng oxy hóa của dịch chiết hoa WT cũng như của vi hạt tải được tải polyphenol từ chiết xuất methanol hoa WT.
nqhuy
Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 58, Số 4A (2022): 26-34