Xây dựng, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ đối với các sản phẩm thuộc Chương trình OCOP
Sáng ngày 7/10/2022, tại khách sạn Ninh Kiều 2, Cần Thơ, Sở Khoa học và Công nghệ TP.Cần Thơ phối hợp với Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tổ chức tập huấn sở hữu trí tuệ “Xây dựng, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ đối với các sản phẩm thuộc Chương trình OCOP” nhằm thúc đẩy đăng ký bảo hộ cho các sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù và sản phẩm gắn với Chương trình OCOP của thành phố.
Ông Trương Hoàng Phương - Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.Cần Thơ phát biểu tại lớp tập huấn
Tham dự lớp tập huấn có đại diện lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ TP.Cần Thơ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân quận, huyện; một số Hội và Viện, Trường; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh có sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù và sản phẩm gắn với Chương trình OCOP của thành phố.
Bà Trần Thị Thanh Điệp - Trưởng phòng Quản lý Chuyên ngành, Sở Khoa học và Công nghệ TP.Cần Thơ trình bày tại buổi tập huấn
Đến dự lớp tập huấn này, học viên được tiếp cận những nội dung: Giới thiệu sơ lược các quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ, hướng dẫn đăng ký bảo hộ, tra cứu thông tin về nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp; Hướng dẫn khai thác hiệu quả các tài sản trí tuệ được bảo hộ; giới thiệu các Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp (sở hữu trí tuệ, đổi mới công nghệ, năng suất chất lượng).
Học viên tham dự lớp tập huấn
Phát biểu tại buổi tập huấn, ông Trương Hoàng Phương – Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.Cần Thơ cho biết, thành phố Cần Thơ đã công bố 74 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, trong đó gồm: 50 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao và 24 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao. Năm 2022, Hội đồng chuyên gia đánh giá sản phẩm OCOP thành phố Cần Thơ vừa tổ chức Hội nghị đánh giá công nhận thêm 18 sản phẩm và đang chờ Quyết định công nhận của Ủy ban nhân dân thành phố.
Một trong những công cụ để hỗ trợ tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ đó chính là “tài sản trí tuệ”. Việc khai thác các tài sản trí tuệ thông qua các hoạt động tổ chức sản xuất, chế biến và thương mại, tổ chức quảng bá và phát triển thương mại sản phẩm, xây dựng và bảo vệ thương hiệu đối với sản phẩm sẽ giúp các sản phẩm, dịch vụ phát huy được các giá trị của cộng đồng, đặc biệt về chất lượng, văn hóa và tổ chức cộng đồng. Đồng thời, góp phần thúc đẩy việc bảo hộ các sản phẩm của doanh nghiệp, hợp tác xã gắn với những thương hiệu của địa phương.