SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Cục trưởng Đinh Hữu Phí tham dự chuỗi sự kiện liên quan đến hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên không gian mạng

[27/10/2022 09:20]

Ngày 26/9/2022, Cục trưởng Đinh Hữu Phí đã tham dự sự kiện “Thảo luận bàn tròn và Hội thảo về thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên không gian mạng” thuộc chuỗi sự kiện diễn ra tại Hà Nội (26-27/9/2022) và tại Thành phố Hồ Chí Minh (28-29/9/2022) do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Đại sứ quán Hoa Kỳ, Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ tổ chức.

Các diễn giả cùng Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knapper và Cục trưởng Đinh Hữu Phí

Tham dự sự kiện có Ông Marc E. Knapper, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam; Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng thường trực Bộ KH&CN; Ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ông Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; các thành viên Ban Thường trực Chương trình phối hợp hành động phòng, chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn III  thuộc 09 bộ, ngành; đại diện một số cơ quan liên quan đến thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trung ương và địa phương và một số doanh nghiệp, tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Đại sứ Hoa Kỳ Marc E. Knapper cho biết, quyền SHTT là một trong những quyền mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển của các quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay, với sự phát triển của thương mại điện tử và sự phức tạp trên không gian mạng, quyền SHTT rất dễ bị xâm phạm. Các đối tượng xâm phạm quyền SHTT đã vượt qua các khâu kiểm soát để vận chuyển hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT đến tận tay khách hàng, gây ra nhiều thiệt hại đối với hoạt động sản xuất kinh doanh và tác động không nhỏ đến quyền lợi của chủ sở hữu cũng như người tiêu dùng. Đại sứ Hoa Kỳ cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam đang tiếp tục hướng tới nền kinh tế thị trường chất lượng cao thúc đẩy bởi KH&CN và đổi mới sáng tạo, Việt Nam cần tăng cường thực thi quyền SHTT và Hoa Kỳ sẵn sàng phối hợp với Việt Nam trong vấn đề này.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn quan trọng trong lĩnh vực KH&CN và SHTT, cụ thể là: Chiến lược SHTT đến năm 2030; Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030; Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030… trong đó, đặt ra các chỉ số cụ thể cho lĩnh vực SHTT. Gần đây nhất, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT được Quốc hội thông qua với số phiếu nhất trí rất cao. Điều đó thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ Việt Nam trong việc hoàn thiện thể chế, chính sách, khuôn khổ pháp lý về SHTT, đáp ứng có hiệu quả những cam kết về SHTT trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia. Trong kỷ nguyên công nghệ số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra trên toàn cầu, vai trò của đổi mới sáng tạo, của quyền SHTT và phát triển thương hiệu đặc biệt quan trọng trong các hoạt động thương mại và phát triển kinh tế. Dẫn chứng về việc Công ty FPT từng phải sang Mỹ đàm phán, mua lại nhãn hiệu, tên miền của chính mình để có thể được hoạt động tại Mỹ, Thứ trưởng nhấn mạnh, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc đăng ký, thực thi quyền SHTT đối với nhãn hiệu của mình.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, bên cạnh thị trường truyền thống, các hoạt động kinh doanh trực tuyến đang thực sự bùng nổ. Ngoài những lợi ích không thể phủ nhận của thương mại trực tuyến, môi trường kinh doanh này cũng cho thấy những thách thức, trong đó có vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ khi hoạt động giao dịch thương mại đã vượt qua giới hạn địa lý, lãnh thổ. Nhận thức được tầm quan trọng của thực thi quyền SHTT trong việc tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, thu hút đầu tư nước ngoài, Chính phủ Việt Nam, Bộ KH&CN và các bộ ngành chức năng đã có nhiều nỗ lực trong việc phòng, chống các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng như xâm phạm quyền SHTT trong môi trường trực tuyến, trong đó phải kể đến các sửa đổi đã ghi nhận trong Luật SHTT sửa đổi lần này và tại các Chương trình phối hợp hành động phòng, chống xâm phạm quyền SHTT (Chương trình 168 giai đoạn III) và sự vào cuộc của hệ thống các cơ quan trung ương và địa phương.

Tại Hội nghị, các đại biểu, các chuyên gia trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp cũng đã thảo luận những vấn đề liên quan đến nhận diện, đánh giá thương hiệu, các bài học thực tiễn về thu giữ hàng hóa nghi giả mạo và triển khai hệ thống giám sát, đồng thời chia sẻ  những khó khăn, vướng mắc, những kinh nghiệm tốt trong việc thực thi pháp luật trong nước và quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống xâm phạm quyền SHTT tại Việt Nam trong thời gian tới. Hiện nay, các hành vi xâm phạm quyền SHTT được thực hiện bằng nhiều phương thức, thủ đoạn mới như sử dụng công nghệ cao làm cho người tiêu dùng và cơ quan chức năng khó phát hiện. Vi phạm quyền SHTT trong thương mại điện tử thường tồn tại dưới 2 dạng: tên miền có thành phần chính trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại đã được bảo hộ và quảng cáo, mua bán hàng hoá xâm phạm quyền SHTT trong thương mại điện tử. Những vi phạm này ngày càng tinh vi, phức tạp hơn trong khi biện pháp hành chính mặc dù hiệu quả nhưng có những hạn chế nhất định so với biện pháp tư pháp. Để thực thi quyền SHTT trong không gian mạng hiệu quả hơn, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có thẩm quyền ở trung ương, địa phương, các hiệp hội và các chủ thể quyền/doanh nghiệp.

Toàn cảnh hội nghị

 

https://ipvietnam.gov.vn (nhnhanh)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ