SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ứng dụng công nghệ phát triển nông nghiệp đô thị bền vững

[08/11/2022 15:05]

Trong khuôn khổ Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế Việt Nam năm 2022 tại TP Cần Thơ, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP Cần Thơ tổ chức hội thảo “Ứng dụng công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng bền vững”. Hội thảo đưa ra cái nhìn tổng thể về thực trạng phát triển nông nghiệp đô thị, từ đó đưa ra giải pháp công nghệ, thiết bị, các mô hình phù hợp để phát triển nông nghiệp đô thị TP Cần Thơ theo hướng xanh, bền vững.

Các diễn giả tại phiên trao đổi, thảo luận.

Hòa cùng xu thế

Cùng với quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp dần, phát triển nông nghiệp đô thị được TP Cần Thơ đặc biệt quan tâm. Ðây cũng được xem là giải pháp có tính khả thi cao để đáp ứng một phần nhu cầu về lương thực, rau quả và các loại nông sản một cách trực tiếp, tại chỗ cho cư dân đô thị. Tháng 4-2017, Thành ủy Cần Thơ ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về “Xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh, giai đoạn 2016-2025”. Trên cơ sở đó, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 1652/QÐ-UBND phê duyệt Ðề án Xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao là 1 trong 9 nhiệm vụ trọng tâm.

Ông Trương Hoàng Phương, Phó Giám đốc Sở KH&CN, cho biết: TP Cần Thơ xác định phát triển nông nghiệp đô thị là hướng đi tất yếu nhằm gia tăng giá trị kinh tế và tạo diện mạo mới cho vùng ven đô. Do đó, ngành KH&CN tích cực triển khai các chương trình, kế hoạch trong hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ 4.0 phục vụ phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố. Sở KH&CN tổ chức hội thảo “Ứng dụng công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng bền vững” nhằm khẳng định vai trò, vị trí của nông nghiệp đô thị trong không gian đô thị; sự cần thiết phải tổ chức nông nghiệp đô thị để hướng đến quy hoạch phát triển đô thị xanh, thông minh và bền vững.

Mặc dù được xác định là xu thế tất yếu, song phát triển nông nghiệp đô thị tại TP Cần Thơ đã và đang đối mặt nhiều khó khăn. Ðơn cử như nguy cơ cây trồng bị ô nhiễm chất thải (vi sinh vật gây bệnh, kim loại nặng và khói bụi từ sản xuất công nghiệp); việc ứng dụng công nghệ cao trong xử lý và tái sử dụng rác thải hữu cơ và nước thải để khắc phục ô nhiễm đòi hỏi kỹ thuật và chi phí cao. Bên cạnh đó, làm nông nghiệp đô thị yêu cầu người lao động làm việc như những công nhân nông nghiệp, đảm nhận cả công việc công nghiệp nông nghiệp (làm việc theo quy trình) và dịch vụ (làm việc trong chuỗi cung ứng sản phẩm), nên cần phải được đào tạo. Thêm vào đó, nền tảng kiến thức về canh tác nông nghiệp đô thị ở Việt Nam nói chung và TP Cần Thơ nói riêng chưa được thiết lập đầy đủ; chuỗi liên kết sản xuất, cơ chế chính sách và cơ sở vật chất cho phát triển nông nghiệp đô thị vẫn còn nhiều hạn chế.

Ứng dụng công nghệ cao

Theo PGS.TS Lê Văn Vàng, Hiệu trưởng Trường Nông nghiệp, Trường Ðại học Cần Thơ, phát triển nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao theo hướng bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ là giải pháp tối ưu giúp TP Cần Thơ đảm bảo an ninh lương thực, đáp ứng với việc gia tăng tỷ lệ dân cư đô thị. Ðể đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn, TP Cần Thơ cần xây dựng hệ thống pháp lý, cơ chế chính sách ưu đãi và cơ sở hạ tầng hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp đô thị; đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu của sản xuất nông nghiệp đô thị. Bên cạnh đó, thành phố cũng cần triển khai thực hiện các nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp đô thị theo điều kiện cụ thể để xây dựng nền tảng kiến thức giúp điều chỉnh và phát huy hiệu quả của lĩnh vực sản xuất này trong tương lai.

Nhiều ý kiến cho rằng, để nông nghiệp đô thị mang lại kết quả như mong đợi thì phải đầu tư công nghệ cao, hoàn thiện quy trình sản xuất để cung ứng ra thị trường những sản phẩm vượt trội về chất lượng. Ông Trương Hoàng Phương, Phó Giám đốc Sở KH&CN, khẳng định: “Ðổi mới khoa học công nghệ được coi là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm đóng góp có hiệu quả, tạo ra chuyển biến mang tính đột phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp đô thị, phục vụ tái cơ cấu nền nông nghiệp, nâng cao đời sống của người dân. Chúng ta có thể giải quyết các thách thức trong phát triển nông nghiệp đô thị bằng các tính năng ưu việt của các công nghệ sinh học, nhà kính, tưới nhỏ giọt, cảm biến, tự động hóa, internet vạn vật (IoT)…”.

Tại hội thảo, các doanh nghiệp cung ứng công nghệ giới thiệu, quảng bá các công nghệ mới, có tiềm năng ứng dụng trong phát triển nông nghiệp đô thị tại Cần Thơ. Ðơn cử, Công ty CP Công nghệ năng lượng bền vững Việt Nam trình bày mô hình bảo quản nông sản sau thu hoạch ứng dụng công nghệ cao; Công ty TNHH XAG Mekong quảng bá việc ứng dụng máy bay không người lái (Drone) trong quá trình trồng lúa; MobiFone khu vực ÐBSCL giới thiệu nền tảng mobiAgri và mFARM…

Ông Bùi Quốc Tính, Chuyên gia giải pháp số MobiFone khu vực ÐBSCL, cho biết: MobiAgri là dịch vụ nền tảng về nông nghiệp cung cấp giải pháp tổng thể và toàn diện để phát triển nông nghiệp theo hướng chuyển đổi số. Theo đó, mobiAgri ứng dụng công nghệ AI, Big data… cung cấp các thông tin chuyên sâu tự động nhận diện bệnh trên cây trồng dựa trên hình ảnh; tư vấn chuyên gia về cây và bệnh cây trồng; cảnh báo thông tin dự báo thời tiết, mùa vụ… Ðối với nền tảng mFARM đáp ứng xu hướng nông nghiệp công nghệ cao; giải pháp IoT trong nông nghiệp; xây dựng nông nghiệp thông minh.

Mỹ Thanh

https://baocantho.com.vn (nhnhanh)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ