Máy tách sợi chuối - Đánh thức tiềm năng một loài cây quen thuộc
Chiếc máy tách sợi của tác giả Bùi Khánh Dũng (công ty Musa Pacta) đã biến những thân cây chuối bị chặt bỏ sau thu hoạch - vốn được coi là chất thải gây ô nhiễm môi trường, trở thành nguyên liệu đầu vào cho các sản phẩm giá trị cao.
Ảnh: Anh Bùi Khánh Dũng, Giám đốc công ty Musa Pacta và những sản phẩm từ sợi chuối. Nguồn: doanhnghiephoinhap.vn
“Cách đây hàng ngàn năm, sử sách đã từng đề cập đến vải sợi chuối ở Giao Chỉ, thân cây chuối xé ra như tơ, dệt thành vải, gọi là tiêu cát, mặc đẹp và mát (sách Quảng chí của Trung Quốc)”, anh Bùi Khánh Dũng đã mở đầu cuộc trao đổi với KH&PT bằng lời giới thiệu vắn tắt về lịch sử sợi chuối ở Việt Nam. Quãng thời gian làm việc ở Nhật cách đây gần 10 năm đã cho anh cơ hội “thực mục sở thị” loại vải này: “Ở Nhật tôi đã thấy nhiều thứ rất hay từ sợi chuối như giấy, vải, quần áo, túi trà, thậm chí một số tờ tiền của Nhật cũng làm từ sợi chuối. Có sản phẩm bán với giá rất đắt, chẳng hạn một chiếc áo làm bằng vải sợi chuối có giá gần 40 triệu đồng”.
Trái ngược với thế giới, ở Việt Nam, thân cây chuối thường bị coi là đồ bỏ đi. “Mỗi cây chuối chỉ cho một buồng, sau khi thu hoạch sẽ bị chặt bỏ. Có nhà tận dụng phần thân để nuôi gà, lợn nhưng cũng chỉ xử lý được một phần rất nhỏ. Trong khi đó, chuối là cây trồng có diện tích lớn nhất ở Việt Nam, khoảng 200 ngàn ha, gần như làng quê nào cũng có, trung bình mỗi năm có hàng chục triệu tấn thân cây chuối bị thải bỏ. Tôi thấy thực sự lãng phí, nên bắt đầu tìm hiểu về sợi chuối”, anh Dũng nói.
Dù bị lép vế trước các loại sợi bông, lanh,... trong nhiều thế kỷ song khoảng 20 năm trở lại đây, sợi chuối đã phát triển nhanh chóng, trở thành nguyên liệu cho ngành dệt may ở nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Malaysia, Hàn Quốc và các quốc gia thuộc EU,... “Việc tận dụng nguồn thân cây chuối không chỉ có lợi ích về môi trường, mà bản thân sợi chuối cũng thực sự có giá trị. Sợi chuối có trọng lượng nhẹ, khả năng hút ẩm tốt, dùng làm vải may quần áo thì dễ tạo phom dáng, ít nếp nhăn. Do vậy, nhu cầu thị trường sợi chuối trên thế giới đang ngày càng lớn, mức tăng trưởng trung bình mỗi năm từ 30-40%”, anh Dũng cho biết.
Với mục tiêu khai thác thị trường này và tận dụng nguồn nguyên liệu ở Việt Nam, vào năm 2019, anh Bùi Khánh Dũng đã quyết định về nước và thành lập công ty Musa Pacta - doanh nghiệp đầu tiên sản xuất sợi và các sản phẩm từ thân chuối ở Việt Nam. Dù “không phải là người đầu tiên thấy tiềm năng của sợi chuối”, nhưng tại sao anh lại làm được điều này? “Mình phải chủ động thôi, thấy cần làm thì bắt tay vào luôn”, anh nói.
Cải tiến lưỡi dao tuốt sợi chuối
Tinh thần chủ động cũng là yếu tố thúc đẩy anh chế tạo thành công máy tuốt sợi chuối - mắt xích đầu tiên trong quá trình sản xuất các sản phẩm từ sợi chuối. Khi quan sát, anh nhận thấy để sử dụng cho các công đoạn tiếp theo, sợi chuối phải “sạch”, tức là có hàm lượng tạp chất thấp. “Tuy nhiên, hầu hết các loại máy nạo sợi hiện nay không đáp ứng yêu cầu này”, anh cho biết. “Nguyên nhân chính là do dao cố định của máy nạo sợi là loại dao có nhiều lưỡi cắt có dạng đĩa tròn được bố trí vuông góc với trục quay của dao, các lưỡi cắt có mép phẳng lại tác dụng lực gần như trên cùng một đường thẳng nên sợi dễ bị đứt tạo thành các tạp chất xơ và làm tăng hàm lượng tạp chất của xơ thô thu được, đồng thời cũng dễ dẫn đến tình trạng nhiều sợi dính vào lưỡi dao rồi quay theo lưỡi dao, xoắn vào trục dao gây kẹt trục”.
Vốn không phải dân chuyên về cơ khí, song anh Bùi Khánh Dũng vẫn tìm ra điểm mấu chốt để cải tiến thiết bị này sau khoảng 2 năm ấp ủ ý tưởng: “Thiết bị tách sợi chuối của tôi không sử dụng các lưỡi dao sắc bén mà sử dụng các lưỡi dao có dạng chữ u, với các mép dao được bo tròn, được bố trí cách đều và song song với trục quay của dao. Với kết cấu này, sợi chuối sẽ được tuốt sạch hơn, bộ dao có độ ổn định, cân bằng tốt nên cũng bền hơn. Lưỡi dao có dạng chữ U có thể dễ dàng được thay thế khi cần”.
Máy tuốt sợi chuối của anh Dũng ra đời vào thời điểm Musa Pacta mới được thành lập. Hành trình biến ý tưởng thành sản phẩm trong thực tế gặp không ít gian nan: “Ban đầu, tôi định thuê công ty cơ khí gia công. Tuy nhiên, khi mang ý tưởng đi các nơi để đặt hàng thì không ai làm, vì người ta đặt ra những câu hỏi mình không trả lời được. Chẳng hạn họ hỏi mình đặt bao nhiêu chiếc, phải có số lượng cụ thể thì họ mới lên đơn hàng. Nhưng mình chịu vì khi đó, thiết bị này vẫn đang thử nghiệm”, anh Dũng cho biết. Với suy nghĩ “không ai làm thì mình sẽ làm vậy”, anh quyết định đầu tư xây dựng nhà máy cơ khí chính xác GMF để chế tạo thiết bị này.
Để tạo thuận lợi cho quá trình sử dụng, bên cạnh cải tiến lưỡi dao, anh còn thiết kế phần máng trượt uốn cong xuống dưới để dẫn hướng thân chuối vào trơn tru hơn. Phần trên khung máy cũng bố trí một nắp che có thể che kín các lưỡi dao trong quá trình hoạt động. Những thay đổi nhỏ đã mang lại hiệu quả bất ngờ: “Do máng trượt nhanh hơn nên máy này có tốc độ nhanh gấp 2-3 lần so với các máy thông thường, năng suất tuốt sợi cao hơn, trung bình mỗi giờ tách được khoảng 5-6kg sợi chuối. Máy vận hành rất an toàn vì phần khe hở ở chỗ đưa nguyên liệu rất hẹp, mục đích của tôi khi thiết kế là đảm bảo trong quá trình sử dụng, lỡ may trượt tay thì cũng không bị hút vào đó”, anh giải thích. Một ưu điểm khác của thiết bị này là có cấu tạo đơn giản, chiếm diện tích nhỏ nên có thể vận hành trực tiếp ngay tại vườn chuối giảm, giảm chi phí vận chuyển thân chuối.
Nâng cao giá trị cho cây chuối
Với cơ chế vận hành đơn giản, hiệu quả cao, giá thành lại rẻ hơn gần một nửa so với các máy tương tự nhập từ Trung Quốc, chiếc máy tuốt sợi chuối do anh Dũng chế tạo đã được nhiều nơi đón nhận. “Hiện nay các xưởng tuốt sợi chuối ở Gia Lâm, Mê Linh, Khai Thái (Hà Nội), Nam Định, Sơn La,... đều sử dụng thiết bị này. Họ mua thiết bị, chúng tôi chuyển giao quy trình và thu mua sợi, đảm bảo đầu ra cho họ. Những máy tuốt sợi đầu tiên của chúng tôi được ứng dụng ở hợp tác xã Khai Thái (Phú Xuyên, Hà Nội) - hợp tác xã đầu tiên về sản xuất sợi chuối ở Việt Nam, từ năm 2019 đến nay vẫn chạy tốt, chưa gặp vấn đề gì cả”, anh Dũng cho biết. Nhờ tính mới và khả năng ứng dụng cao, thiết bị tách sợi chuối của anh Bùi Khánh Dũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích số 2-0002892 công bố ngày 25/4/2022.
Sự hợp tác giữa Musa Pacta và các hợp tác xã kể trên không chỉ giúp công ty có nguồn nguyên liệu ổn định mà còn tạo thêm thu nhập cho người dân địa phương. “Trước kia thân cây chuối chủ yếu dùng làm thức ăn chăn nuôi lợn, nhưng khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi, chăn nuôi gặp khó nên thân cây chuối vứt bỏ chẳng ai thèm lấy. Giờ thân chuối được tận dụng hết, không chỉ giảm ô nhiễm môi trường, chúng tôi còn có thêm việc làm và thu nhập nên rất phấn khởi”, chị Nguyễn Hồng Thanh ở hợp tác xã Khai Thái, trả lời phỏng vấn trên báo Dân trí vào năm 2020.
Từ nguồn sợi chuối thu được, dưới bàn tay của những người thợ khéo léo ở Musa Pacta, hàng loạt sản phẩm bàn ghế, giấy, túi xách,... làm tự sợi chuối đã ra đời. “Chúng tôi không chỉ dừng ở nguyên liệu sợi thô, vì mục tiêu của chúng tôi là nâng cao giá trị của cây chuối. Bên cạnh sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ sợi chuối, chúng tôi cũng tận dụng nước ép thân cây chuối trong quá trình sản xuất sợi để làm dung dịch dinh dưỡng cho cây trồng, còn bã thải làm giá thể trồng cây”, anh Dũng cho biết.
Hầu hết các sản phẩm của Musa Pacta hiện đang được phân phối qua các công ty thương mại để xuất khẩu. Dù quy mô sản xuất của công ty vẫn mức nhỏ song anh Bùi Khánh Dũng xác định, “để đi đường dài, phải đầu tư bài bản cho khoa học công nghệ, nhờ đó mới có nền tảng để nâng cấp, phát triển sản phẩm”. Vì vậy, Viện nghiên cứu nông nghiệp hữu cơ và giống cây trồng ứng dụng công nghệ cao thuộc Musa Pacta đã ra đời. “Về định hướng lâu dài, chúng tôi sẽ nghiên cứu tạo ra những giống chuối đa nhiệm, chẳng hạn giống vừa lấy quả vừa lấy sợi, hoặc giống cho sợi nhiều hơn, chất lượng sợi tốt hơn”, anh nói.
Thanh An (Bài viết hợp tác giữa Cục SHTT và Báo KH&PT)