Khảo sát hoạt tính ức chế tyrosinase của cao chiết lá nho Vitis vinifera L. (Vitaceae)
Nghiên cứu do các tác giả Nguyễn Thanh Tố Nhi, Trần Gia Khiêm, Đoàn Thành Luân, Trần Thị Hoàng Ngọc, Lê Thị Thanh Lan - Trường Đại học Nguyễn Tất Thành thực hiện.
Ảnh minh họa: Internet
Trong các tế bào động vật hoặc thực vật, một sắc tố được định nghĩa là bất kỳ chất tạo màu do chúng phản xạ và hấp thụ một số sóng ánh sáng đặc hiệu. Trong các sắc tố sinh học đó, melanin (theo tiếng Hy Lạp có nghĩa là đen) được phân bố rộng rãi nhất và được tìm thấy trong suốt quá trình phát sinh loài, từ các vi sinh vật cho đến động vật. Ở người, melanin được tìm thấy chủ yếu trong da, tóc, võng mạc, nó được tiết ra bởi tế bào sắc tố phân bố ở lớp đáy của biểu bì. Vai trò của melanin là bảo vệ da khỏi tác hại của tia tử ngoại, đặc biệt là tia cực tím B bằng cách hấp thụ và tán xạ ánh sáng mặt trời và loại bỏ các gốc oxy hóa tự do. Các rối loạn khác nhau ở da là kết quả của sự tích tụ quá mức sắc tố ở biểu bì. Tăng sắc tố có thể do tăng tế bào tạo sắc tố hoặc do tăng hoạt động của các enzym hình thành sắc tố . Enzym tyrosinase (EC 1.14.18.1) được phân bố rộng rãi trong nấm, động vật và thực vật, là một enzym monooxygenase có chứa đồng tham gia vào hai phản ứng riêng biệt của quá trình chuyển hóa melanin; một là hydroxyl hóa monophenol thành Odiphenol, hai là oxi hóa O-diphenol thành O-quinon; sau đó, Oquinon tham gia một loạt các phản ứng để tạo thành melanin. Ngoài ra, tyrosinase cũng đóng vai trò trong phản ứng hóa nâu của trái cây và rau quả. Màu nâu thường làm hỏng màu sắc của các sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc thực vật, điều này có thể cho thấy chất lượng dinh dưỡng của nó bị hư hỏng. Do đó, các chất ức chế tyrosinase đã và đang được sử dụng rộng rãi trong điều trị các bệnh tăng sắc tố và trong mỹ phẩm hoặc thực phẩm như một yếu tố làm trắng da, ngăn ngừa sự hư hỏng nhanh của thực phẩm. Arbutin và axit kojic được biết đến là chất ức chế tyrosinase thường được sử dụng trong mỹ phẩm sản phẩm làm trắng da. Về mặt lâm sàng, các chất khử sắc tố này được áp dụng cho trị liệu tăng sắc tố. Tuy nhiên, axit kojic gây ra nhạy cảm da, trong khi arbutin có khả năng gây độc tế bào. Do đó. việc tìm ra chất ức chế tyrosinase có nguồn gốc thiên nhiên đang rất được quan tâm nghiên cứu.
Vitis vinifera L. (Vitaceae) là một loài thực vật thuộc chi Vitis, có nguồn gốc từ Vùng Địa Trung Hải. Phần lớn loài này được sử dụng trong công nghiệp nấu rượu, làm thực phẩm. Các bộ phận của cây nho như quả nho, cũng như rượu vang và sản phẩm phụ chính yếu của nó - bã nho – đã và đang được nghiên cứu rộng rãi. Bên cạnh đó, quá trình chế biến nho công nghiệp cũng tạo ra các phụ phẩm, chẳng hạn như lá nho. Từ xa xưa, lá nho V. vinifera đã được sử dụng trong y học do có các hoạt tính sinh học bao gồm bảo vệ gan, chống co thắt, hạ đường huyết và điều hòa máu, kháng khuẩn, kháng nấm, kháng viêm, kháng ung thư, kháng virus và đặc biệt là chất chống oxy hóa. Nước ép lá nho cũng được sử dụng như một chất khử trùng trong nước rửa mắt. Các nghiên cứu trước đây cho thấy sự hiện diện của một số thành phần hóa học trong lá nho như axit hữu cơ, axit phenolic, flavonols, tannin, procyanidin, anthocyanin, lipid, enzym, vitamin, carotenoid, tecpen và đường khử hoặc không khử. Như vậy, lá nho V. vinifera là một nguồn cung cấp các hợp chất có đặc tính dinh dưỡng và hoạt tính sinh học, đồng thời giải quyết được các vấn đề về xử lý phát sinh từ một lượng lớn các sản phẩm phụ tạo ra bởi ngành sản xuất rượu vang và nước trái cây. Theo nghiên cứu của Mariacaterina Lianza và cộng sự cho thấy có mối tương quan tuyến tính giữa hàm lượng phenolic tổng và hoạt tính ức chế tyrosinase, cụ thể trong 90 thảo dược được khảo sát thì lá nho vừa có hoạt tính ức chế tyrosinase vừa có hoạt tính ức chế elastase, trong đó cao chiết bằng EtOH/nước (1:1) ở nồng độ 50 µg/ml cho hiệu quả ức chế tyrosinase là 42%. Mặt khác, theo một nghiên cứu khác của Lin và cộng sự về động học hoạt tính ức chế tyrosinase của lá nho cho kết quả hoạt tính ức chế tyrosinase của dịch chiết lá nho đỏ đạt giá trị IC50 là 3,84 mg/ml.
Tại Việt Nam, hoạt tính ức chế tyrosinase đã được tiến hành trên các đối tượng như nấm linh chi, hoa hòe, củ mài, lá tía tô, dâu tằm đen. Tuy nhiên, chưa tìm thấy nghiên cứu hoạt tính ức chế tyrosinase của lá nho V. vinifera. Do đó, trong nghiên cứu này, chúng tôi tiến hành chiết cao lá nho xanh và lá nho đỏ với các dung môi khác nhau và xác định hoạt tính kháng tyrosinase của cao chiết. Nghiên cứu nhằm góp phần cung cấp nguồn nguyên liệu cho sản phẩm làm trắng da trong tương lai.
Nghiên cứu "Khảo sát hoạt tính ức chế tyrosinase của cao chiết lá nho Vitis vinifera l. (Vitaceae)” đã cho thấy tác dụng ức chế tyrosinase của cao chiết lá nho đỏ và cao chiết lá xanh với dung môi chiết cồn 96o là cao nhất. Trong đó, % ức chế tyrosinase và IC50 của cao chiết lá nho đỏ và lá nho xanh ở nồng độ 0,5 mg/mL lần lượt là 70,26 ± 2,1 (IC50 = 0,197 mg/mL) và 70,01 ± 1,26 (IC50 = 0,243 mg/mL). Như vậy, lá nho đỏ và lá nho xanh được xem như nguồn nguyên liệu thiên nhiên có khả năng ức chế tyrosinase. Do đó, cần được nghiên cứu sâu hơn về hoạt tính ức chế tyrosinase bằng các phương pháp khác như xác định hàm lượng melanin, xác định độc tính của lá nho đỏ và lá nho xanh trên tế bào B16F10 melanoma, cũng như xác định thành phần hóa học của hai loại lá nho – phụ phẩm của ngành thực phẩm và sản xuất rượu vang, để có hướng ứng dụng trong các sản phẩm làm trắng da, chống nám và sạm da.
Tạp chí KH&CN Đại học Thái Nguyên, T. 227, Số 14 (2022) (nnttien)