Sự biến động về ưu thế lai của các tổ hợp lai khác nhau giữa 3 giống lợn Duroc, Piétrain, Landrace
Nghiên cứu do các tác giả Nguyễn Văn Bình, Đinh Ngọc Bách - Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật - ĐH Thái Nguyên thực hiện nhằm hân tích sự biến động của ưu thế lai về một số tính trạng sản xuất của các tổ hợp lai giữa 3 giống lợn Duroc, Piétrain, Landrace để chọn ra các tổ hợp lai tốt nhất đưa vào sản xuất.
Ảnh minh họa: Internet
Giới thiệu Sức sản xuất của vật nuôi nói chung và của lợn nói riêng chịu ảnh hưởng rất lớn của các yếu tố di truyền và môi trường sống (bao gồm tiểu khí hậu chuồng nuôi, điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc...). Đánh giá mức độ ảnh hưởng của các yếu tố di truyền và ngoại cảnh khác nhau trong cấu thành năng suất vật nuôi đã được quan tâm nghiên cứu ở nhiều nước trên thế giới. Baas và cộng sự đã nghiên cứu về các thành phần di truyền trội trực tiếp và di truyền trội từ mẹ ảnh hưởng đến tính trạng sinh trưởng và chất lượng thịt xẻ.
Do vậy, khi nhập các giống lợn cao sản từ các nước về Việt Nam hoặc quá trình lai tạo giống mới, các nhà khoa học chuyên ngành đều cần phải nghiên cứu kỹ sự tác động của các yếu tố này tới sức sản xuất của con vật; qua đó mới có thể lựa chọn hoặc tạo ra được những con giống phù hợp để đưa vào sản xuất. Đặc biệt là việc nghiên cứu tạo ra tổ hợp đực lai cuối cùng để phục vụ cho sản xuất con lai thương phẩm.
Năm 2010, tác giả Nguyễn Thị Viễn [5] đã nghiên cứu tạo được đực lai cuối cùng PD (50% Piétrain và 50% Duroc) có tỷ lệ nạc đạt 58-59% và đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) công nhận là tiến bộ năm 2010. Tác giả Nguyễn Hữu Tỉnh và cộng sự (2015) đã sử dụng 3 đực thuần Duroc, Piétrain và Landrace trong công thức lai tạo thuận nghịch để xác định tổ hợp lai tốt nhất giữa các dòng thuần Duroc, Piétrain và Landrace làm cơ sở để chọn tạo dòng đực tổng hợp cuối cùng. Bước đầu tạo 2 tổ hợp đực lai cuối cùng Dx(PD) (75% Duroc và 25% Piétrain) và DL (50% Duroc và 50% Landrace) cùng có tốc độ tăng trưởng trên 720 g/ngày, tiêu tốn thức ăn dưới 2,8 kg và tỷ lệ nạc đạt trên 58%, phục vụ sản xuất lợn thịt ở khu vực Nam Bộ.
Ngoài ra, một số công ty nước ngoài ở Việt Nam như CP Group, France Hybrid còn đưa ra một số tổ hợp lai Duroc x Hampshire, Duroc x Large White, Piétrain x Large White dưới các tên thương mại như SP, Master có tốc độ tăng khối lượng từ 700 - 750 g/ngày, tiêu tốn thức ăn 2,6- 2,7 kgTA/kgTKL, dày mỡ lưng từ 11-11,5 mm và tỷ lệ nạc từ 59 - 60%.
Tuy nhiên, các nghiên cứu này chưa tập trung phân tích về sự biến động của ưu thế lai đối với một số tính trạng sản xuất quan trọng khi thay đổi các công thức lai trong các tổ hợp lai với các tỷ lệ máu khác nhau trong con lai. Từ đó có cơ sở khoa học cho việc chọn tạo ra những tổ hợp lai có ưu thế lai ưu việt nhất, phù hợp với điều kiện nuôi dưỡng tại các vùng, đặc biệt là khu vực trung du, miền núi phía Bắc. Vấn đề tồn tại nêu trên sẽ được giải quyết trong nghiên cứu này.
Qua các kết quả nghiên cứu về sự biến động của ưu thế lai khi thay đổi các công thức lai khác nhau giữa các tổ hợp lai từ các giống lợn thuần cao sản Duroc, Piétrain và Landrace cho thấy: Mức độ biểu hiện của ưu thế lai giữa các tính trạng nghiên cứu là phù hợp với quy luật di truyền về tính trạng số lượng. Tính trạng tăng khối lượng và tỷ lệ nạc luôn có ưu thế lai tốt hơn (ưu thế lai dương) so với tính trạng dày mỡ lưng và tiêu tốn thức ăn luôn có ưu thế lai âm. Đây thực sự là một lợi điểm quan trọng trong lai tạo để tạo ra các giống lợn có khả năng sinh trưởng tốt, tỷ lệ nạc cao nhưng lại tiêu tốn thức ăn thấp; Sự thay đổi công thức lai và tỷ lệ máu trong con lai đã làm thay đổi ưu thế lai. Các tổ hợp lai thuận - F1 giữa các giống lợn thuần (DP, DL, PL) luôn cho ưu thế lai dương tốt nhất về các tính trạng TKL và TLN, so với ưu thế lai âm tốt nhất về các tính trạng DML và TTTA (tương ứng là: 1,06; 1,00; 0,35 và 0,38; 0,91; 2,47 so với -3,35; - 8,76; - 4,88 và -3,31; - 1,78; -4,43); Kết quả nghiên cứu này có ý nghĩa quan trọng cho việc phát triển, phối hợp với các nghiên cứu khác để giúp cho việc chọn tạo được tổ hợp lai tốt nhất để đưa vào sản xuất.
Tạp chí KH&CN Đại học Thái Nguyên, T. 227, Số 14 (2022) (nnttien)