Nguồn lợi các loài cá chình thuộc giống (Anguilla) ở các thủy vực nội địa tỉnh Phú Yên
Nghiên cứu do tác giả Nguyễn Minh Ty Viện Phát triển Ứng dụng - Trường Đại học Thủ Dầu Một thực hiện.
Ảnh minh họa: Internet
Phú Yên thuộc tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế thủy sản, các mặt nước như sông suối, hồ chứa, đầm, vũng, vịnh rất đa dạng đã tạo nên những hệ sinh thái thủy vực rất đặc sắc, kéo theo sự đa dạng phong phú vè các loài thủy sinh vật nhất là các loài cá. Tổng diện tích các thủy vực nội địa gần 5.260 km2. Hàng năm các vực nước ở các thủy vực nội địa cung cấp nguồn lợi thủy sản rất lớn cho người dân trong vùng từ việc khai thác và đánh bắt. Trong đó, nguồn lợi cá chình đã đem lại nguồn thu nhập khá lớn cho địa phương, góp phần cải thiện đời sống kinh tế nơi đây. Cá chình là những loài có thịt thơm ngon, có hàm lượng protein cao, được các nhà hàng và người dân ưa thích, có giá trị kinh tế và xuất khẩu. Tại thị trường Phú Yên 1kg cá chình thịt có giá từ 430.000 – 500.000 đồng, 1kg chình giống có trọng lượng 50- 100g với giá từ 80.000 – 1.200.000 đồng. Cá chình thuộc giống Anguilla sống ở các lưu vực sông vùng nhiệt đới Châu Á, từ Tây Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương và miền Trung Việt Nam. Ở Việt Nam, các loài cá chình thuộc giống Anguilla phân bố chủ yếu ở các thủy vực miền Trung từ tỉnh Hà Tỉnh (sông Ngàn Phố) đến tỉnh Ninh Thuận (sông Cái), trong đó có 5 loài Anguilla marmorata, A. bicolor, A. malgumora, A. japonica và A. bengalensis.
Ở các thủy vực nội địa tỉnh Phú Yên có 3 loài cá chình thuộc giống Anguilla đó là A. marmorata, A. bicolor và A. malgumora cả 3 loài này đều có tên trong sách đỏ Việt Nam (2007), phần I Động vật học. Trong những năm gần đây, nguồn lợi các loài cá chình thuộc giống Anguilla ở các thủy vực đang giảm sút do khai thác, đánh bắt thường xuyên, cùng với việc chặng dòng và ô nhiễm môi trường nước trong lưu vực đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và di cư của các loài cá chình. Vì vậy, việc điều tra và đánh giá các tác động bất lợi đến nguồn lợi các loài cá chình thuộc giống Anguilla góp phần xây dựng cơ sở khoa học cho việc đề xuất các giải pháp bảo vệ, ươm nuôi, khai thác và phát triển bền vững nguồn lợi cá chình ở tỉnh Phú Yên.
Ở các thủy vực nội địa Phú Yên có 03 loài cá chình chình hoa Anguilla marmorata, chình mun A. bicolor và Chình họn A. malgumora 3 loài này có tên trong sách Đỏ Việt Nam (2007) phần I Động vật học. Trong đó, cá chình hoa có số lượng nhiều chiếm trên 95% sản lượng khai thác, phân bố rộng khắp các thủy vực sông, suối và hồ chứa, hai loài chình mun, chình nhọn có số lượng ít hơn không góp phần vào sản lượng khai thác. Trong mùa sinh sản cá chình trưởng thành di cư xuôi dòng về hạ lưu ra biển, phát dục để sinh sản. Cá chình gương (Glass eel) di cư vào cửa sông và ngược dòng lên trung lưu, thượng lưu, các suối và hồ chứa để sinh sống. Các ngư cự khai thác cá chình: Lưới vây, đáy, câu giăng, vợt và bổi. Thời gian đánh bắt thường xuyên mùa khô và mùa mưa. Sản lượng khai thác mùa khô đạt 4,235 tấn và mùa mưa 9,801 tấn, trung bình 14,03 tấn/năm. Các loài cá chình thuộc giống Anguilla ở các thủy vực nội địa Phú Yên đang bị giảm sút do thác thường xuyên, quanh năm, kích cỡ cá chình được khai thác từ 1-3000g. Việc chặn dòng để xây dựng các công trình thủy điện, thủy lợi trên các hệ thống sông chính và các phụ lưu của nó đã ảnh hưởng mạnh đến sự di cư của các loài cá chình. Nguồn lợi thủy sản ở các thủy vực và hồ chứa, nhất là các loài cá chình thuộc giống Anguilla chưa được quan tâm và quản lý chặt.
(nnttien)
Tạp chí KH&CN Đại học Thái Nguyên, T. 227, Số 14 (2022)