SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu cơ chế giải phóng curcumin từ nang micro trong môi trường dạ dày giả lập

[22/11/2022 09:47]

Nghiên cứu do các tác giả Nguyễn Đức Hùng, Từ Quang Tân, Vũ Thị Thu Thủy - Trường Đại học Sư phạm – ĐH Thái Nguyên thực hiện.

Ảnh minh họa: Internet

Curcumin là hợp chất polyphenol màu vàng cam được tìm thấy trong phần thân củ của cây nghệ (Curcuma longa), được sử dụng trong chế biến thực phẩm và là một vị thuốc trong y học cổ truyền do có hoạt tính sinh học mạnh như kháng viêm, kháng khuẩn, kháng oxy hóa và kháng tế bào ung thư. Tuy nhiên, các hoạt tính sinh học của curcumin bị giảm mạnh do đặc tính ít tan trong nước, tốc độ phân hủy cao và dễ bị oxy hóa.

TPGS là hợp chất tan trong nước, được tạo bởi phương pháp ester hóa vitamin E succinate và polyethylene glycon (PEG). Hợp chất TPGS được sử dụng phổ biến trong chế tạo hệ mang thuốc, chất tăng cường hấp thụ, chất nhũ hóa, chất phụ gia, chất tăng cường độ thẩm thấu và chất ổn định.

Trong các nghiên cứu trước, nang micro curcumin đã được bào chế bằng phương pháp tạo gel ion và sự giải phóng curcumin đã được đánh giá trong môi trường giả lập dạ dày PBS pH = 1,2 và ruột non PBS pH = 7,4. Tuy nhiên, ở môi trường giả lập dạ dày PBS pH = 1,2, curcumin được giải phóng có hiện tượng chưa được hòa tan và lắng xuống đáy của bể khuấy, dẫn đến điều kiện “sink” trong môi trường hòa tan chưa đảm bảo. Theo Dược điển Việt Nam V (2018), điều kiện “sink” có nghĩa là dược chất đã hòa tan vào dung dịch không có hiệu ứng đáng kể làm thay đổi độ hòa tan của phần dược chất còn lại [17]. Do đó, với mục đích đạt được điều kiện “sink” của môi trường hòa tan và đánh giá sự giải phóng curcumin từ nang micro curcumin trong môi trường dạ dày giả lập (PBS pH = 1,2), nghiên cứu tiến hành bổ sung chất hòa tan hoạt động bề mặt TPGS nồng độ 3 g/L vào trong môi trường hòa tan. Động lực học của quá trình giải phóng curcumin từ nang micro được tính toán thông qua sự lựa chọn phù hợp với các mô hình động học bao gồm mô hình động học bậc không (Zero order model), mô hình động học bậc một (First order model), mô hình động học Higuchi (Higuchi model), mô hình động học HixsonCrowell (Hixson-Crowell model) và mô hình động học Korsmeyer-Peppas (Korsmeyer-Peppas model), từ đó kiểm chứng về quá trình giải phóng curcumin từ các nang micro curcumin.

Nghiên cứu đánh giá quá trình giải phóng curcumin từ nang micro S0, S3, S8, S15 đã được thực hiện trong môi trường dạ dày giả lập (pH = 1,2) có bổ sung chất hòa tan hoạt động bề mặt TPGS nồng độ 3 g/L trong thời gian đánh giá từ 1 đến 420 phút. Kết quả cho thấy, curcumin không được giải phóng từ nang micro trong suốt thời gian đánh giá. Nghiên cứu đã kiểm chứng curcumin không được giải phóng từ nang micro trong môi trường pH = 1,2 có bổ sung TPGS 3 g/L bằng phương pháp tính toán động lực học giải phóng curcumin thông qua các mô hình động học bao gồm mô hình bậc không, mô hình bậc một, mô hình Higuchi, mô hình Hixson-Crowell và mô hình Korsmeyer-Peppas.

Tạp chí KH&CN Đại học Thái Nguyên, T. 227, Số 14 (2022) (nnttien)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ