Ảnh hưởng của sinh khối cá chình bông (Anguilla marmorata) đến sinh trưởng và năng suất cải thảo (Brassica campestris spp. pekinensis) trong hệ thống aquaponic qui mô trang trại
Nghiên cứu do các tác giả Lê Thanh Toàn, Trần Minh Khang - Trường Đại học Cần Thơ và Võ Thị Hướng Dương - Trường Đại học An Giang, ĐHQG-HCM thực hiện nhằm xác định mức sinh khối cá chình ban đầu đưa đến tăng trưởng và năng suất cải thảo cao nhất khi kết hợp sản xuất trong hệ thống aquaponic.
Ảnh minh họa: Internet
Aquaponic là hệ thống nuôi thủy sản kết hợp trồng rau thủy canh trong hệ thống tuần hoàn không dùng đất, trong đó chất thải của cá được chuyển thành chất dinh dưỡng cho cây trồng và cây trồng làm sạch nước thải, trả lại cho bể cá bằng các chu trình tự nhiên với sự góp mặt của vi khuẩn có lợi. Aquaponic được ghi nhận từ những năm của thập niên 70 và tiếp tục được nghiên cứu tại nhiều nơi (Neagel, 1977; Lewis, Yopp và Schramm, 1978). Năm 2006, Rakocy và cs đề xuất mô hình aquaponic hoàn chỉnh (UVI aquaponic system) và được đánh giá là có khả năng phát triển mở rộng ở quy mô thương mại vì là mô hình sản xuất bền vững trên phương diện nâng cao năng suất và tiết kiệm chi phí trên cùng một diện tích canh tác (Laura và cs., 2015). Aquaponic là một phương pháp canh tác tạo ra nguồn thực phẩm tự nhiên, thân thiện với môi trường, khai thác các thuộc tính tốt nhất của nuôi trồng thủy sản và trồng rau thủy canh mà không cần phải xả nước thải, lọc nước hoặc thêm các loại phân bón hóa học. Ngoài ra, do hệ thống được xây dựng trên thiết kế tách biệt giữa khu nuôi cá và khu trồng rau nên việc chọn lựa đối tượng thủy sản và rau màu canh tác sẽ thuận lợi hơn và tùy vào điều kiện, mục đích từng nơi mà có sự kết hợp cá, rau phù hợp nhất. Tuy nhiên, theo FAO (2014), để đảm bảo đủ lượng dinh dưỡng cung cấp cho rau cũng như sự cân bằng hệ vi sinh vật hữu ích cho hệ thống aquaponic vấn đề quan trọng nhất là đảm bảo sự cân bằng giữa mật độ hay sinh khối của cá và rau sao cho sự cân đối đó được duy trì ổn định trong suốt thời gian vận hành hệ thống.
Lược khảo một số kết quả nghiên cứu về aquaponic trên thế giới và tại Việt Nam cho thấy có nhiều đối tượng thủy sản được thử nghiệm như cá rô phi (Rakocy và cs, 2004, 2006; Ngô Thị Lam Giang, 2017), cá lóc (Trần Thị Ngọc Bích, 2015), cá điêu hồng (Hứa Thái Nhân, 2019), cá trám cỏ (Lennard và Ward, 2019) và thường kết hợp với các loại rau phổ biến như: cải thìa, cải xanh, xà lách, rau muống.
Hiện nay, tại các tỉnh vùng Tây Nam Bộ, nuôi cá chình lồng bè hay trong ao đất đang phát triển mạnh nhờ vào đặc điểm sinh trưởng và giá trị của cá chình cùng với thị trường ổn định, giá bán cao, mang lại thu nhập khá cho người nuôi. Tuy nhiên, nghề nuôi cá chình luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi chi phí con giống cao và phụ thuộc vào đánh bắt tự nhiên, thời gian nuôi kéo dài và đặc biệt là tình trạng biến đổi khí hậu nắng nóng và xâm nhập mặn thường xuyên xảy ra. Năm 2017, Nguyễn Nhứt đã thử nghiệm nuôi cá chình bông trong hệ thống tuần hoàn và ghi nhận tốc độ tăng trưởng và khối lượng cao (0,6 %/ngày và 940 g/con) sau 13 tháng nuôi với tỉ lệ sống 82 %.
Trong nghiên cứu này tác giả chọn cá chình bông, thử nghiệm nuôi trong hệ thống aquaponic cùng với cải thảo. Nghiên cứu nhằm xác định sinh khối cá chình thả ban đầu đưa đến tăng trưởng và năng suất cải thảo cao nhất khi kết hợp sản xuất giữa cá chình – cải thảo trong hệ thống aquaponic ở qui mô trang trại.
Hệ thống aquaponic kết hợp nuôi cá chình bông và cải thảo khi bố trí thích hợp đã duy trì ổn định chất lượng nước trong giới hạn phù hợp cũng như đảm bảo sự tăng trưởng tốt nhất của cá chình và cải thảo trong suốt thời gian thí nghiệm. Xác định được mức sinh khối ban đầu 250 kg cho kết quả tốt nhất về tăng trưởng của cá khi đạt mức tăng trưởng về khối lượng 34,4% và cải bắc thảo đạt khối lượng 195,3 g/cây với năng suất đạt 2,24 kg/m2 . Thực tế với hệ thống aquaponic có 160 m2 trồng cải thảo có thể nuôi cá chình với sinh khối từ 250 – 336 kg, tương ứng với mức sinh khối đầu và cuối thí nghiệm. Xác định được khối lượng thức ăn cho cá chình ở mức bình quân 41,2 g/m2/ngày là phù hợp cho hệ thống aquaponic thí nghiệm.
Tạp chí Khoa học Quốc tế Trường ĐH An Giang, Quyển 30 (2022) (nnttien)