Nghiên cứu khả năng sử dụng thảo dược để phòng trị bệnh gan tụy cấp trên tôm thẻ chân trắng (litopenaeus vannamei boone, 1931)
Nghiên cứu do tác giả Tạ Văn Phương - Trường Đại học Tây Đô thực hiện nhằm tìm ra dịch chiết thảo dược có thể ứng dụng phòng trị bệnh gan tụy cấp trên tôm thẻ chân trắng do Vibrio parahaemolyticus gây ra.
Ảnh minh họa: Internet
Tôm thẻ chân trắng là đối tượng có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ rộng, thời gian nuôi ngắn, năng suất cao nuôi tôm thâm canh có thể đạt đến 20 tấn/ha. Nhờ có giá trị dinh dưỡng cao mà hiện nay tôm thẻ chân trắng đang được người tiêu dùng ưa chuộng. Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng 10 tháng đầu năm 2019 là 105.000 ha và sản lượng thu hoạch tôm thẻ chân trắng là 434.848 tấn (Tổng cục Thủy sản, 2019). Nghề nuôi tôm thẻ chân trắng phát triển nhanh trong khi nguồn vốn và kỹ thuật nuôi còn hạn chế, dẫn đến sự ô nhiễm về môi trường nuôi, tạo điều kiện cho sự phát triển và lây lan của dịch bệnh. Theo Cục Thú y (2014) dịch bệnh gan tụy cấp tác nhân chính là do vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus, với sự hiểu biết của người nuôi còn hạn chế và sử dụng thuốc kháng sinh không đúng đã tạo ra các chủng vi khuẩn có khả năng kháng thuốc và làm giảm hiệu quả điều trị bệnh.
Việc nghiên cứu các thảo dược chứa hoạt sinh học kháng khuẩn có thể sử dụng trong phòng trị bệnh, thân thiện với môi trường và đảm bảo an toàn thực phẩm (Cos và cs., 2006). Theo Venketramalingam và cs. (2007) các loại thảo dược giống như chất bổ sung hương liệu kích thích sự thèm ăn, giúp tôm tăng trưởng nhanh. Bùi Quang Tề và cs. (2006) đã nghiên cứu thành công hai loại chế phẩm thảo dược VTS1-C, VTS1-T phối chế từ dịch chiết tỏi và sài đất để phòng bệnh trên tôm cá. Nguyễn Ngọc Phước và cs. (2007) đã thử nghiệm thành công khả năng kháng nấm trên tôm từ dịch chiết lá trầu. Qua các nghiên cứu trên cho thấy các dịch chiết từ thảo dược có khả năng tiêu diệt các loại nấm và vi khuẩn gây bệnh trên tôm nước lợ, mặn. Từ cơ sở đó đề tài: “Nghiên cứu khả năng sử dụng thảo dược để phòng trị bệnh gan tụy cấp trên tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei Boone, 1931)” được thực hiện.
Kết quả khảo sát khả năng kháng vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus của 9 loại dịch chiết thảo dược cho thấy, dịch chiết tỏi có khả năng kháng vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus gây bệnh gan tụy cấp mạnh nhất với vòng kháng khuẩn đạt 24,3 mm. Trong phạm vi nghiên cứu này, phương thức trộn dịch chiết tỏi vào thức ăn cho hiệu quả kháng bệnh hoại tử gan tụy cấp ở tôm thẻ chân trắng cao nhất, với tỷ lệ sống của tôm đạt được sau thí nghiệm là 93,3%.
(nnttien)
Tạp chí Khoa học Quốc tế Trường ĐH An Giang, Quyển 30 (2022) (nnttien)