Thụy Điển bán thịt bò ít phát thải nhờ phụ gia rong biển
Hệ thống siêu thị Coop tại Thụy Điển đang bắt đầu thử nghiệm bán LOME – loại thịt bò “ít phát thải methane” đầu tiên trên thế giới nhờ ăn thức ăn được bổ sung rong biển, giải pháp của công ty khởi nghiệp Volta Greentech.
Nhiều nghiên cứu trước đây đã chứng minh việc bổ sung rong đỏ Asparagopsis vào khẩu phần ăn của gia súc, bao gồm cả bò thịt và bò sữa, sẽ giúp cắt giảm đáng kể lượng khí methane (tác nhân gây hiệu ứng nhà kính mạnh mẽ) mà bò thải ra trong quá trình tiêu hóa, thông qua phản ứng ợ, xì hơi, … với tỷ lệ lên đến hơn 80%, thậm chí 98%. Đó là nhờ hệ vi sinh vật đường ruột của gia súc đã được cân bằng nhờ hoạt động của một số thành phần hoạt chất bên trong Asparagopsi.
Thịt bò xay ít phát thải mang thương hiệu LOME. Ảnh: Volta Greentech.
Fredrik Åkerman, nhà đồng sáng lập kiêm CEO Volta Greentech cho biết: “Đây là lần đầu tiên người tiêu dùng được tiếp cận loại thịt bò ít phát thải nhà kính. Chúng tôi đã hợp tác chặt chẽ cùng Coop và hãng thực phẩm Protos để đưa sản phẩm ra thị trường trong một dự án thử nghiệm. Bao bì được thiết kế in hình một con bò đang ăn rong biển cùng lời giải thích về những lợi ích tiềm năng của nó. Bí mật? Bò ít ợ và xì hơi hơn nhờ rong biển”. Ngoài ra, bản thân cái tên LOME cũng là từ viết tắt của “Low on Methane” (tạm dịch: Methane thấp).
Bên ngoài Thụy Điển, nhiều thương hiệu thực phẩm, người nuôi trồng và nhà sản xuất cũng đang nỗ lực thúc đẩy việc đưa các sản phẩm từ rong biển ra thị trường. Hãng Arla Goods (liên doanh sữa giữa Đan Mạch và Thụy Điển) nổi tiếng châu Âu đã có kế hoạch thử nghiệm bổ sung một số thành phần từ rong biển vào sữa; hay hãng kem Ben & Jerry’s cũng có động thái tương tự như là một phần trong cam kết cắt giảm lượng khí thải nhà kính, …
Mặc dù đó là một bước tiến rất đáng hoan nghênh song các nhà sản xuất rong biển vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc mở rộng quy mô sản xuất. Volta Greentech lựa chọn trồng rong trên đất liền thay vì ngoài đại dương, và công ty cũng đang tìm cách phát triển, hoàn thiện thêm những hệ thống, phương thức sản xuất mới. Fredrik Åkerman nhận định hệ thống canh tác rong biển trên đất liền là giải pháp tốt nhất để đảm bảo rong đạt chất lượng. “Chúng tôi đang thử nghiệm trồng trong nhà kính và nhà kho”, ông nói.
Rong đỏ Asparagopsis. Các nhà sản xuất cần mở rộng quy mô để đáp ứng nhu cầu của ngành chăn nuôi gia súc. Ảnh: Viện Nghiên cứu Rong biển Úc (ASI).
Thụy Điển đã phê duyệt việc sử dụng phụ gia từ rong biển làm thức ăn gia súc. Nhưng điều này vẫn chưa được FDA tại Mỹ chấp thuận, mặc dù rất nhiều nông dân và các thương hiệu thực phẩm đã sẵn lòng sử dụng. Åkerman nói: “Các đối tác mà chúng tôi đang làm việc đều nhận thấy đây thực sự là giải pháp. Mặc dù hoạt động sản xuất còn gặp không ít vướng mắc nhưng nhu cầu sẽ rất lớn và đáng để đầu tư.”
Ở Việt Nam, Công ty Thủy sản Australis tại Khánh Hòa cũng đang mở rộng quy mô trồng rong đỏ Asparagopsi dùng làm phụ gia thức ăn chăn nuôi theo dự án Greener Grazing, nhằm giúp cắt giảm lượng khí thải nhà kính trong ngành. Khác với giải pháp của Volta Greentech, Australis sẽ trồng Asparagopsi trên quy mô rất lớn ngay ngoài vịnh Vân Phong để tận dụng điều kiện tự nhiên và nguồn nước sạch lý tưởng của nơi này, ngoài ra rong biển còn có tác dụng hấp thụ bớt các chất thải từ hoạt động nuôi cá. Nếu thành công, Australis rất có thể sẽ trở thành nhà sản xuất Asparagopsi hàng đầu thế giới, bên cạnh cá chẽm (Barramundi).
Nhóm nghiên cứu phát triển các sản phẩm từAsparagopsicủa Công ty Australis tại Khánh Hòa.
Hải Đăng