Đánh giá tiềm năng đối kháng thực vật (allelopathy) của cây cỏ may (Chrysopogon aciculatus (Retz.) Trin.) trong các điều kiện sàng lọc khác nhau
Nghiên cứu do các tác giả Phan Trung Thắng, Nguyễn Văn Viên , Nguyễn Thanh Nhung, Nguyễn Hà Trang Linh, Trần Đăng Khánh thực hiện.
Cỏ dại làm giảm năng suất cây trồng đáng kể. Để kiểm soát cỏ dại, một số phương pháp truyền thống được áp dụng bao gồm làm cỏ bằng tay, sử dụng nước, làm đất hay kỹ thuật thâm canh, luân canh đã được áp dụng. Tuy vậy, những phương pháp này thường phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, tốn thời gian, công sức và không phù hợp với xu thế hiện nay. Ngày nay, việc tăng cường sử dụng thuốc điệt cỏ tổng hợp ngày càng trở nên phổ biến. Thực tế cho thấy, sử dụng thuốc diệt cỏ có thể giảm thiểu thời gian kiểm soát cỏ đại và ổn định năng suất lúa. Tuy nhiên, do quá lạm dụng và phụ thuộc vào thuốc diệt cỏ để diệt trừ cỏ đại hiện đang là một vấn để nghiêm trọng dẫn đến ô nhiễm môi trường, làm thay đổi môi trường đất, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp không an toàn gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Hình minh họa (Internet)
Cây cỏ may (Chrysopogon aciculatus (Retz.) Trin.) là cây lưu niên thuộc họ lúa Poaceae (Gramineae). Mục đích của nghiên cứu này là đánh giá tiềm năng đối kháng thực vật của cây cỏ may trong các điều kiện thí nghiệm khác nhau. Trong điều kiện phòng thí nghiệm, nồng độ 50 g/l bột cỏ may gây ức chế khá rõ rệt tới sự sinh trưởng và phát triển của cây chỉ thị (cỏ lồng vực, lúa và đậu xanh), ức chế trung bình các công thức lần lượt là 56,86%; 52,61%; 46,24% tương ứng. Đặc biệt, bột cỏ may ức chế mạnh mẽ tới khả năng phát triển rễ của các cây chỉ thị. Trong điều kiện nhà lưới, tỉ lệ nảy mầm và chiều dài thân của cỏ lồng vực đều thấp hơn so với đối chứng ở nồng độ 200 g/m2. Trong điều kiện đồng ruộng, bột cỏ may vẫn thể hiện tính ức chế khá mạnh tới sinh khối của cỏ lồng vực, giống như các thí nghiệm trong phòng và trong điều kiện nhà lưới. Ức chế trung bình công thức cao nhất là 37,6%. Ngoài ra, bột cỏ may không những kìm hãm sự phát triển của cỏ dại còn làm tăng năng suất của lúa so với đối chứng.
nttvy
Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam 2022, 20(10)