Thử nghiệm ương cá chép giống (Cyprinus carpio) bằng công nghệ biofloc với nguồn carbon từ rỉ đường và bột ngô
Nghiên cứu do các tác giả Đỗ Đăng Khoa, Nguyễn Tuấn Duy, Kim Văn Vạn, Thái Thanh Bình thực hiện.
Cá chép là đối tượng nuôi nước ngọt truyền thống của Việt Nam do chúng có đặc điểm chất lượng thịt thơm ngon, ngoại hình đẹp và có sức chống chịu bệnh tốt hơn các đối tượng nuôi khác. Song trong tình hình ương nuôi hiện nay người nuôi gặp nhiều khó khăn do giá nguyên liệu đầu vào đặc biệt là thức ăn tăng cao, giá cá thương phẩm thấp, tỉ lệ sống và tốc độ tăng trưởng không cao, cá cũng thường mắc một số bệnh gây thiệt hại cho người nuôi đặc biệt ở giai đoạn cá giống. Do vậy, việc áp dụng các quy trình công nghệ ương nuôi mới nhằm giảm chỉ phí thức ăn, tăng tỉ lệ sống, sinh trưởng nhanh và thân thiện môi trường có vai trồ hết sức quan trọng.
Hình minh họa (Internet)
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá chất lượng môi trường, tốc độ tăng trưởng, tỉ lệ sống và hệ số chuyển hóa thức ăn (FCR) khi ương cá chép (Cyprinus carpio) bằng công nghệ biofloc với nguồn carbon từ rỉ đường và bột ngô. Cá kích cỡ 33,5 ± 1,15 g/con được ương trong 9 bể (267 l/bể), mật độ 150 con/m3 (40 con/bể) với 3 nghiệm thức: NT1 (BFT-RĐ) và NT2 (BFT-BN) được nuôi theo công nghệ biofloc với nguồn carbon tương ứng từ rỉ đường và bột ngô với tỉ lệ C:N là 20:1, trong khi nghiệm thức đối chứng (ĐC) được nuôi thông thường và thay nước 50%/ngày. Cá được cho ăn theo nhu cầu bằng thức ăn công nghiệp hàm lượng protein 35%. Kết quả cho thấy sau 60 ngày nuôi chất lượng môi trường ở NT1 tốt hơn so với NT2 và ĐC. Ở NT1 nuôi cá chép có tỉ lệ sống (98,33 ± 1,44%) và tốc độ tăng trưởng bình quân ngày (0,69 ± 0,05 g/con/ngày) là cao nhất, có hệ số chuyển hóa thức ăn FCR thấp nhất (1,53 ± 0,02) và sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (P <0,05) khi so với cá ở NT2 (1,58 ± 0,02) và ĐC (1,73 ± 0,03).
nttvy
Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam 2022, 20(8)