Tác động của lũ lụt đến thu nhập hộ trồng lúa tại huyện Châu Phú, tỉnh An Giang
Từ cơ sở dữ liệu được khảo sát trực tiếp từ hộ trồng lúa về nhận thức, ứng phó rủi ro do lũ lụt, thu nhập nông hộ, phương pháp thống kê mô tả và hồi qui được sử dụng để phân tích tác động của lũ lụt đến thu nhập của hộ trồng lúa tại huyện Châu Phú, tỉnh An Giang.
Kết quả phân tích cho thấy bình quân mỗi nông hộ ở địa bàn nghiên cứu canh tác khoảng 3 hecta lúa. Mức thu nhập trung bình của các hộ gia đình trong mẫu khảo sát là khoảng 107 triệu đồng/năm. Tỉ lệ khả năng nhận thức được rủi ro do lũ lụt của đáp viên chiếm 52,27% và có 43,18% có khả năng ứng phó với những rủi ro do lụt. Kết quả phân tích hồi qui cho thấy các yếu tố như: học vấn của chủ hộ, làm việc cho chính quyền, tổng diện tích đất, khu vực sống và số nhân khẩu tác động đến thu nhập của nông hộ trồng lúa.
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với hệ thống sông ngòi chằng chịt cùng điều kiện tự nhiên, khí hậu, đất đai rất thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp. Chỉ riêng cây lúa chiếm 47% diện tích và 56% sản lượng lúa cả nước, xuất khẩu gạo toàn vùng chiếm 90% sản lượng (Ngân & Danh, 2020). Tuy nhiên, ĐBSCL là vùng đất thấp ven biển nên đây là khu vực bị tác hại nặng nề nhất do biến đổi khí hậu (BĐKH) gây ra. Tỉnh An Giang hiện có diện tích sản xuất lúa lớn nhất khu vực ĐBSCL, còn là một trong bốn tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL đang chịu nhiều ảnh hưởng của BĐKH toàn cầu. Theo nhận định của ngành nông nghiệp, các sản phẩm nông nghiệp (lúa gạo, rau màu, thủy sản) chịu nhiều ảnh hưởng do BĐKH gây ra. Tổng thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra (lũ lụt, hạn hán, sạt lở, mưa bão…) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2016 hơn 1.463 tỷ đồng (Cục thống kê tỉnh An Giang, 2018). Ngoài ra, BĐKH còn ảnh hưởng đến hạ tầng giao thông, các hoạt động kinh doanh, sức khỏe và đời sống người dân.
Châu Phú là một huyện nằm ở trung tâm Tứ giác Long Xuyên, phía Tây ngạn sông Hậu. Được thiên nhiên ưu đãi, địa bàn này hàng năm tiếp nhận lượng phù sa đáng kể bồi đắp cho ruộng đồng. Cùng với cây màu, cây lúa được phát triển tạo thành nguồn chủ lực trong nền kinh tế nông nghiệp. Tuy nhiên, tình hình lũ lụt ở huyện Châu Phú, tỉnh An Giang đã và đang là vấn đề bức xúc trong nhiều năm qua đối với các cấp lãnh đạo và người dân. Ngập lụt ở huyện Châu Phú dù được quan tâm và đề cập nhiều từ nhà lãnh đạo, cơ quan quản lý, báo chí và truyền thông nhưng tình hình vẫn chưa khả quan. Tình hình ngập lụt đã và sẽ gây ảnh hưởng lớn đến nguồn thu nhập của người nông dân. Kinh nghiệm nghiên cứu quốc tế cũng đã tìm ra mối liên hệ giữa ngập lụt và thu nhập của nông dân. Nghiên cứu của Baez et al. (2010) đã chứng minh rằng thiên tai nói chung và lũ lụt nói riêng đã gây ra những thiệt hại rất lớn đến vốn con người, bao gồm tử vong, tàn phá và những tác động tiêu cực của sản xuất lên dinh dưỡng, giáo dục, sức khỏe và nhiều quá trình tạo ra thu nhập khác. Rayhan (2010) cũng cho rằng ở những hộ bị ngập lụt Bangladesh thường có khả năng rơi vào nghèo đói hơn các hộ không bị ngập lụt. Vì vậy, nghiên cứu này được thực hiện nhằm đưa ra các giải pháp giúp người dân huyện Châu Phú, tỉnh An Giang giảm thiểu thiệt hại do lũ lụt gây ra, ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập.
nqhuy
Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 58, Số 5D (2022): 184-191