SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Xác định sự hiện diện của mầm bệnh ký sinh trùng và vi khuẩn trên ếch Thái Lan (Rana sp.) bị bệnh trương bụng

[28/11/2022 15:04]

Nghiên cứu được tiến hành nhằm tìm hiểu mầm bệnh ký sinh trùng và vi khuẩn ký sinh trên ếch (Rana sp.) bị bệnh trương bụng. Kết quả kiểm tra 110 mẫu ếch thu tại Đồng Tháp từ tháng 4/2021 đến 02/2022 cho thấy ếch bệnh thường nhiễm 9 loài trùng lông gồm Balantidium coli, B. elongatum, B. entozoon, B. honghuensis, Cepedea longa, C. magna, Opalina natalensis, O. ranarum và Zelleriella binucleata.

Kết quả định danh vi khuẩn đã xác định được 77 chủng thuộc 2 loài là Aeromonas hydrophila và Pseudomonas putida. Trong đó, loài vi khuẩn P. putida có tỷ lệ nhiễm cao nhất (74%). Kết quả mô học cho thấy mô gan có biểu hiện viêm, mất cấu trúc, vùng đảo tụy xung huyết, hoại tử và mất cấu trúc. Mô thận sưng tấy, viêm mô và xung huyết. Cấu trúc ống thận và nang Bowman’s bị biến đổi, vỡ và phình to. Mô ruột có lớp biểu mô bị phá vỡ, các tế bào bị mất cấu trúc và có sự hiện diện của trùng lông. Các nếp gấp ở niêm mạc ruột bị dính lại và nhiều nơi xung huyết. Mô phổi có hiện tượng bị viêm, xuất huyết và xung huyết ở các phế nang phổi và các vách ngăn.

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng nuôi trồng thuỷ sản trọng điểm, hàng năm cung cấp một lượng sản phẩm thủy sản đáng kể cho nước nhà với tổng sản lượng đạt khoảng hơn 7,7 triệu tấn, trong đó nuôi trồng chiếm từ 55-60% (Hải, 2019). Cùng với nghề nuôi cá tra, cá điêu hồng, cá rô, cá lóc,.. đang phát triển thì nuôi ếch đang được người dân quan tậm và trở thành đối tượng nuôi mới ở một số tỉnh trong vùng. Các tỉnh An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp và Sóc Trăng diện tích nuôi đang tăng nhanh. Chỉ riêng huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, diện tích nuôi ếch đã phát triển hơn 40 ha. Ước tính, trung bình mỗi năm địa phương có thể cung cấp 5.000 tấn ếch thương phẩm (Nhật, 2020).

Ếch bắt đầu được nuôi thương phẩm từ năm 2004 ở tỉnh Đồng Tháp. Ếch là loài lưỡng cư có tốc độ tăng trọng nhanh, khả năng sử dụng thức ăn chế biến tốt và tỷ lệ sống cao. Nguồn thức ăn của ếch rất phong phú và có thể nuôi hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp với nhiều loại mô hình nuôi khác nhau. Thịt ếch trắng hồng, dai và thơm ngon là nguồn cung cấp đạm động vật cho con người, có giá trị thương phẩm cao. Ếch được chế biến nhiều món ngon ở các nước châu Á (Chung, 2007).

Sự phát triển nhanh của nghề nuôi và gia tăng mật độ nuôi dẫn đến tăng dịch bệnh, trong đó bệnh do vi khuẩn và ký sinh trùng là phổ biến và gây thiệt hại nghiêm trọng nhất. Sự gia tăng dịch bệnh đã làm ếch nuôi chết hàng loạtgây ra thiệt hại lớn về kinh tế cho người nuôi (Thủy, 2007). Các bệnh thường gặp ở mô hình nuôi ếch hiện nay chủ yếu là bệnh phù mắt, quẹo cổ, lở loét, đỏ thân và trương bụng; nếu không áp dụng kịp thời các biện pháp điều trị thì ếch bỏ ăn dẫn đến suy kiệt và chết. Hiện nay, các nghiên cứu về bệnh trên ếch nuôi thương phẩm còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, những thông tin về đặc điểm bệnh học của vi khuẩn gây bệnh và các biện pháp phòng trị bệnh vẫn còn rời rạc và chưa được công bố chính thức. Trong lúc nghề nuôi phát triển nhanh chóng, môi trường nuôi ngày càng bất lợi, diễn biến dịch bệnh phức tạp thì việc hiểu rõ về các mầm bệnh trên ếch càng trở nên cấp thiết. Chính vì vậy, nghiên cứu này được thực hiện nhằm tìm hiểu mầm bệnh ký sinh trùng và vi khuẩn ký sinh trên ếch bệnh trương bụng ở các vùng nuôi trọng điểm, làm cơ sở để phòng trị bệnh cho ếch.

nqhuy

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 58, Số 5B (2022): 132-143
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ