Ảnh hưởng của ELICITOR SALICYLIC ACID lên sự sinh trưởng và tích lũy chất biến dưỡng thứ cấp ở cây húng chanh (Plectranthus amboinicus (Lour.) Spreng.) in vitro
Húng chanh hay tần dày lá (Plectranthus amboinicus (Lour.) Spreng. là một loài thảo dược lâu năm có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, kháng u được dùng để chữa các bệnh như hô hấp, tim mạch, tiêu hóa,…
Nghiên cứu này nhằm xác định nồng độ salicylic acid (SA) xử lý thích hợp giúp cải thiện sự tích lũy các hợp chất biến dưỡng thứ cấp in vitro ở cây húng chanh. Các nồng độ SA ở 0, 50, 100, 150 và 200 µM được bổ sung vào môi trường nuôi cấy Murashige & Skoog (1962). Sự sinh trưởng và hàm lượng các hợp chất flavonoid và phenolic tổng số trong mẫu chồi được đánh giá. Kết quả cho thấy nồng độ SA 50 µM gần như không tác động lên sự sinh trưởng của chồi bao gồm số lá, tỷ lệ tạo rễ, khối lượng tươi và chỉ số diệp lục tố nhưng có hiệu quả tăng cường hàm lượng của cả hai nhóm hợp chất này. Hàm lượng flavonoid tổng đạt 7,08 mg QE/g khối lượng khô và phenolic đạt 2,30 mg GAE/g, lần lượt tăng gấp 1,14 và 1,73 lần so với đối chứng. Như vậy, xử lý SA nồng độ 50 µM đã giúp cải thiện sản sinh các hợp chất thứ cấp in vitro ở cây dược liệu có giá trị này.
Húng chanh còn gọi là tần dày lá (Plectranthus amboinicus (Lour.) Spreng.) là một loại thảo mộc thơm, lâu năm và mọng nước thuộc Họ Hoa môi (Lamiaceae). Cây húng chanh có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, kháng u, chữa lành vết thương,… Ngoài ra, húng chanh còn có hiệu quả chống lại các bệnh về đường hô hấp, tim mạch, miệng, da, tiêu hóa và tiết niệu (Arumugam et al., 2016). Tinh dầu và các hoạt chất được chiết xuất từ húng chanh như các flavone, salvigenin, 6- methoxygenkwanin, quercetin, chrysoeriol và luteolin (Sahaykhare et al., 2011) đóng vai trò quan trọng trong công nghiệp thực phẩm và dược phẩm.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy các hợp chất có hoạt tính sinh học của thực vật có thể được sản sinh với số lượng lớn khi đáp ứng với các kích thích bên ngoài hoặc các chất kích hoạt (elicitor) (Zhao et al., 2005; Murthy et al., 2014). Các elicitor sinh học hoặc phi sinh học được sử dụng để kích thích hình thành sản phẩm trở thành một kỹ thuật quan trọng để cải thiện sản lượng các hợp chất thứ cấp có hoạt tính (Dornenburg, 2004).
Salicylic acid (SA) đóng vai trò quan trọng trong điều hòa các quá trình sinh trưởng và phát triển của thực vật thông qua việc điều chỉnh mạng lưới các tín hiệu có liên quan đến con đường sinh tổng hợp chất biến dưỡng thứ cấp (Miura & Tada, 2014). SA hoạt động như một elicitor sinh học trong cây và có khả năng làm tăng sản sinh các hợp chất có hoạt tính như alkaloid, phenolic, flavonoid và terpene (Ali et al., 2006; Silva et al., 2014). Xử lý SA đã có hiệu quả lên sự sinh trưởng và cải thiện sự tích lũy các chất biến dưỡng thứ cấp của nhiều loài dược liệu như kích thích quang hợp và chất biến dưỡng thứ cấp của cây đậu xanh (Vigna radiata) (Nazar et al., 2011), cải thiện đáng kể hàm lượng các sắc tố quang hợp, tăng sinh khối, tăng cường hàm lượng các hợp chất thứ cấp như phenol, proline, anthocyanin và làm mạnh hệ thống bảo vệ chống oxy hóa trong nuôi cấy in vitro cây Withania coagulans (Bipin et al., 2019)... Tuy nhiên, các tài liệu công bố về tác động của SA lên sự sinh trưởng và tích lũy các hợp chất biến dưỡng thứ cấp in vitro trên cây húng chanh hiện chưa được tìm thấy. Vì vậy, việc xác định nồng độ SA xử lý thích hợp để cải thiện sự tích lũy các hợp chất này ở cây húng chanh là rất cần thiết, góp phần xây dựng quy trình sản xuất chất biến dưỡng thứ cấp in vitro ở cây dược liệu có giá trị này.
nqhuy
Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 58, Số 5B (2022): 77-83