SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Phân tích yếu tố ảnh hưởng đến sự thay đổi sử dụng đất nông nghiệp tại huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ

[28/11/2022 15:33]

Nghiên cứu thực hiện nhằm tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến sự thay đổi sử dụng đất nông nghiệp của huyện Phong Điền làm cơ sở đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Các số liệu về thực trạng sử dụng đất trong giai đoạn 2016-2021 được thu thập nhằm đánh giá sự thay đổi của chúng. Bên cạnh đó, hai cuộc đánh giá nhanh nông thôn được tổ chức để xác định các yếu tố ảnh hưởng đến sự thay đổi sử dụng đất nông nghiệp. Sau đó, 21 chuyên gia được tham vấn để xác định mức độ tác động của các yếu tố bởi phương pháp đánh giá đa tiêu chí. Kết quả cho thấy quá trình canh tác nông nghiệp của huyện bị ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố thị trường tiêu thụ, giá bán, chi phí đầu vào và thời tiết. Qua đó, các giải pháp về công trình và phi công trình được đề xuất. Trong đó, các giải pháp về liên kết sản xuất, quản lý vật tư nông nghiệp và phát triển chế biến, bảo quản sau thu hoạch được chú trọng thực hiện.

Trong những năm gần đây, thời tiết tại vùng đồng bằng sông Cửu Long diễn biến rất phức tạp như khô hạn kéo dài, mưa trái mùa, ngập lũ cục bộ và xâm nhập mặn đã gây ảnh hưởng đến quá trình khai thác và sử dụng đất nông nghiệp của người dân (Anh, 2017; Thắng và ctv., 2020). Bên cạnh đó, việc người dân khai thác sử dụng đất nông nghiệp và chọn lựa những loại cây trồng theo sự thay đổi giá cả thị trường đã dẫn đến tình trạng thừa cung và thiếu cầu gây nên thị trường tiêu thụ không mang tính ổn định, bền vững và lâu dài (Ngân và ctv., 2017). Điều đó dẫn đến tình trạng “giải cứu” nông sản diễn ra thường xuyên tại vùng đồng bằng sông Cửu Long và trong cả nước. Thêm vào đó, việc người dân lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình thâm canh, tăng vụ đã gây ảnh hưởng xấu đến tài nguyên đất đai (Dinh và ctv., 2015; Tín, 2017). Sự suy thoái đất đã tác động làm giảm năng suất và chất lượng cây trồng, từ đó làm hiệu quả sản xuất nông nghiệp của người dân mang lại không cao (Yến và Thương, 2022).

Phong Điền là một huyện thuộc thành phố Cần Thơ, có diện tích đất nông nghiệp chiếm ưu thế lên đến 79,3% (9.955 ha) so với tổng diện tích đất tự nhiên, với sự đa dạng các loại hình canh tác nông nghiệp như lúa 3 vụ, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản (Hiếu và ctv., 2022). Tuy nhiên, trong thời gian qua việc canh tác nông nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn và hạn chế bởi sự tác động của điều kiện biến đổi khí hậu, giá cả thị trường không ổn định, dịch bệnh trên cây trồng phát triển mạnh (Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Phong Điền, 2021). Đặc biệt có sự tác động của sự đô thị hóa của vùng ven đô dẫn đến việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của ngành nông nghiệp không đạt được kết quả cao (Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phong Điền, 2020). Để đảm bảo cho công tác quản lý nhà nước về đất đai, đặc biệt đảm bảo việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp của huyện trong thời gian tới, các yếu tố tác động đến sự thay đổi sử dụng đất của người dân cần được xác định, làm cơ sở đề xuất các giải pháp hạn chế sự chuyển đổi sử dụng đất nông nghiệp mang tính tự phát, manh mún và nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về đất đai.

nqhuy

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 58, Số 5A (2022): 39-51
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài