SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ảnh hưởng của các loại thức ăn đến sinh trưởng và tỉ lệ sống của ốc lác (Pila conica)

[06/12/2022 16:49]

Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của các loại thức ăn đến sinh trưởng và tỉ lệ sống của ốc lác (Pila conica).

Ốc lác Pila sp. là một trong những loài chân bụng nước ngọt được tìm thấy trong ao nước ngọt, vũng, bể, hồ, đầm lầy, ruộng lúa và đôi khi ở sông suối. Hiện nay, nghề nuôi ốc bươu đồng đã tương đối phát triển trên cả nước và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Các mô hình nuôi ốc đã giúp người dân có thêm nguồn thu nhập và cải thiện đời sống. Ốc lác chủ yếu được đánh bắt ngoài tự nhiên và được bán với giá cao hơn so với ốc bươu đồng, số người nuôi ốc lác hiện đang chiếm tỉ lệ thấp hơn so với ốc bươu đồng. Theo người nuôi và tiêu thụ sản phẩm ốc cho biết kích thước ốc lác nhỏ hơn, tốc độ lớn cũng chậm hơn ốc bươu đồng, nhưng loài ốc này được đánh giá có chất lượng thịt thơm ngon, ngọt và giòn hơn so với ốc bươu đồng mặc dù chưa có nghiên cứu nào đề cập. Các nghiên cứu về đặc điểm sinh học, sinh sản, kỹ thuật sản xuất giống và kỹ thuật nuôi loài ốc bản địa này còn tương đối ít.

Ốc lác. Ảnh Internet

Thức ăn là một trong những yếu tố quan trọng góp phần duy trì tỉ lệ sống cao và tốc độ tăng trưởng nhanh của các đối tượng thủy sản trong quá trình sản xuất giống. Các nghiên cứu về thức ăn sử dụng để ương ốc bươu đồng đã được thực hiện và có các khuyến cáo về loại thức ăn sử dụng cho đối tượng này trong quá trình ương. Nghiên cứu của Bình & Thảo (2013) cho thấy ương ốc bươu đồng bằng thức ăn công nghiệp đã cho kết quả ốc lớn nhanh hơn so với sử dụng cám hoặc bột khoai mì. Trong ương giống ốc bươu đồng, ngoài rau xà lách, các loại thực vật khác cũng được sử dụng là rong đuôi chồn, rong đã, mướp cắt lát và bèo cám. Tuy nhiên, hiện nay chưa có nghiên cứu so sánh ảnh hưởng của các loại thực vật kết hợp với thức ăn viên đến kết quả ương giống ốc bươu đồng cũng như ốc lác. Việc tìm ra loại thức ăn phù hợp để ương giống ốc lác đạt tỉ lệ sống cao và tốc độ tăng trưởng nhanh là mục tiêu được đặt ra cho nghiên cứu này.

Thí nghiệm gồm 5 nghiệm thức thức ăn khác nhau và mỗi nghiệm thức được lặp lại 3 lần gồm: 1) 100% thức ăn nhân tạo (TA), 2) 50% thức ăn nhân tạo + 50% mướp (M50), 3) 50% thức ăn nhân tạo + 50% bèo cám (B50), 4) 100% mướp (M100) và 5) 100% bèo (B100). Ốc lác có khối lượng và chiều cao ban đầu là 0,015 g và 3,25 mm, được ương trong bể composite với mật độ 500 con/bể. Tỉ lệ sống của ốc lác sau 35 ngày ương đạt cao nhất ở nghiệm thức B50 (93,7%) và M50 (93,1%), nhưng khác biệt không có ý nghĩa (p>0,05) với nghiệm thức TA (90,47%). Khối lượng và năng suất ương ốc lác ở nghiệm thức B50 cao hơn và khác biệt có ý nghĩa (p<0,05) so với các nghiệm thức còn lại. Kết quả thí nghiệm cho thấy thức ăn công nghiệp kết hợp với bèo cám (tỉ lệ 50:50 theo khối lượng khô) đã duy trì tỉ lệ sống cao và tăng trưởng tốt trong quá trình ương giống ốc lác.

hmngoc

 

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ (Tập 58, Số 5B (2022): 124-131)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ