VAI TRÒ CỦA VIỆC HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ VỆ SINH DỊCH TỄ ĐỐI VỚI HÀNG NÔNG SẢN XUẤT KHẨU ĐÁP ỨNG MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Việt Nam có nhiều lợi thế trong ngành nông nghiệp, sản lượng và giá trị xuất khẩu nông sản đều có xu hướng tăng trưởng mạnh qua các năm.
Với lịch sử phát triển từ nền văn minh lúa nước, trải qua hàng ngàn năm phát triển dựa vào sản xuất nông nghiệp đã tạo nên những đặc tính của con người Việt Nam là dễ hòa nhập với thiên nhiên, biết cách cải biến và thích ứng với môi trường tự nhiên để sinh sống và sản xuất. Bên cạnh đó, với điều kiện khí hậu thuận lợi cho hoạt động sản xuất nông nghiệp và có diện tích đất nông nghiệp lớn với hơn 28 triệu hecta (Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, 2019), với khoảng 17,5 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong khu vực nông – lâm – ngư nghiệp (Tổng cục Thống kê Việt Nam, 2021), nên Việt Nam có thế mạnh và tiềm năng để phát triển ngành nông nghiệp. Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế trước đây, ngành nông nghiệp đã thể hiện rõ vai trò, vị trí quan trọng của mình đối với nền kinh tế quốc gia, khi giữ vững sản xuất trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu để nâng đỡ các ngành kinh tế khác.

Nông sản xuất khẩu. Ảnh Internet
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, một số lô hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam đã bị quốc gia nhập khẩu trả lại hoặc tiêu hủy do chưa bảo đảm về điều kiện vệ sinh dịch tễ. Một trong những lý do chính dẫn đến tình trạng này là do quy định về cấp phép và quản lý việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và mức dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật của Việt Nam còn nhiều hạn chế cả về quy định và thực tiễn áp dụng. Để cải tiến chất lượng hàng nông sản thì việc làm trước hết là phải hoàn thiện hệ thống pháp luật về vệ sinh dịch tễ hiện hành của Việt Nam, từ đó tạo dựng một hành lang pháp lý hợp lý và thông thoáng cho việc đầu tư phát triển ngành nông nghiệp theo hướng xanh, sạch và bền vững. Bài viết này phân tích vai trò quan trọng của việc hoàn quy định pháp luật về vệ sinh dịch tễ đối với hàng nông sản để xây dựng nền tảng lý luận cho việc cải cách hệ thống pháp luật về phát triển nông nghiệp của Việt Nam trong thời gian sắp tới.
hmngoc
Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ (Tập 58, Số Chuyên đề SDMD (2022): 163-169)