SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu khu hệ động vật nổi phục vụ nuôi trồng thủy hải sản bền vững ở vùng biển tỉnh Kiên Giang

[08/12/2022 08:23]

Kiên Giang là một tỉnh có nhiều tiềm năng về nuôi trồng thủy hải sản, nhưng để phát triển lĩnh vực này một cách bền vững vẫn tồn tại những vấn đề ít được nghiên cứu và Động vật nổi là một trong số đó. Vì vậy, Viện Kỹ thuật Biển đã tiến hành nghiên cứu về Động vật nổi tại đây nhằm mục đích đánh giá khu hệ Động vật nổi làm cơ sở cho việc chỉ thị môi trường sinh thái trên vùng biển này. Từ đó đưa ra được những nhận định, kiến nghị góp phần phục vụ cho việc nuôi trồng thủy hải sản bền vững tại vùng biển Kiên Giang.

Kiên Giang là một tỉnh thuộc vùng Tây nam bộ, có đường bờ biển kéo dài hơn 200km, với diện tích vùng biển rộng hơn 63.000km2. Vùng biển tỉnh Kiên Giang nằm trong vịnh Thái Lan và được che chắn bởi hơn 143 hòn đảo lớn nhỏ nên khá kín gió và ít bị ảnh hưởng từ bão. Những điều này đã tạo cho Kiên Giang một lợi thế rất lớn với nhiều tiềm năng cho việc phát triển kinh tế biển, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch và nuôi trồng thủy hải sản. Nghề nuôi trồng thủy hải sản ở Kiên Giang đã có từ lâu, tuy nhiên chủ yếu vẫn dưới dạng tự phát từ người dân nên vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Động vật nổi (ĐVN) (Zooplankton) là những loài động vật không xương sống có kích thước nhỏ, thuộc nhiều ngành, bộ, họ khác nhau nhưng đều có đặc điểm chung là sống ở trong các tầng nước của thủy vực. Mặc dù có kích thước nhỏ nhưng chúng là những mắt xích thức ăn quan trọng trong chuỗi thức ăn ở biển, có vai trò chuyển tiếp từ thực vật nổi sang các động vật khai thác như tôm, cá...Thành phần loài và mật độ Động vật nổi trong các vùng biển thay đổi tăng hay giảm đều ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến nguồn lợi nghề cá cũng như ngành nuôi trồng thủy hải sản. Do vậy việc nghiên cứu Động vật nổi sẽ cung cấp những thông tin cần thiết cho việc thăm dò đàn cá, dự báo trữ lượng cá và phục vụ cho việc nuôi trồng thủy hải sản.

Trên thế giới Động vật nổi đã được nghiên cứu từ thế kỉ 18, còn ở vùng biển Việt Nam những nghiên cứu đầu tiên về động vật nổi là của chuyên gia người Pháp - M. Rose vào năm 1926 ở vùng biển Nha Trang. Ở vùng biển Kiên Giang, công trình nghiên cứu đầu tiên và quy mô về Động vật nổi là chương trình NAGA của Mỹ  (1959–   1961), chương trình này đã tiến hành 10 chuyến khảo sát ở vùng biển ngoài khơi Minh Hải - Kiên Giang (vùng vịnh Thái Lan) và kết quả là hàng loạt các báo cáo về Động vật nổi đã được công bố. Sau ngày đất nước thống nhất, Nhà nước ta đã tổ chức “Điều tra tổng hợp vùng biển ven bờ Thuận Hải - Minh Hải” (1977 - 1980) trong đó có 2 chuyến khảo sát ở vùng biển vịnh Thái Lan. Đến  năm 1994, một chương trình khác là “Điều tra tổng hợp vùng biển Minh Hải – Kiên Giang” đã thu thập mẫu vật Động vật nổi tại 90 trạm. Từ dữ liệu của chuyến khảo sát này, năm 1997 Nguyễn Văn Khôi đã công bố danh sách 125 loài Động vật nổi ở vùng biển này và sinh khối tại vùng biển cũng được ghi nhận ở mức thấp (21mg/m3). Năm 1997, trong “Chương trình Việt – Thái hợp tác điều tra nguồn lợi vùng chồng lấn ở vịnh Thái Lan” nội dung về nhóm Động vật nổi cũng đã được quan tâm thực hiện. Những năm đầu thế kỉ XXI, các nghiên cứu về Động vật nổi ở vùng biển Kiên Giang vẫn được tiến hành nhưng chỉ rải rác trong quy mô các đảo, khu bảo tồn biển như đảo Phú Quốc hay vùng ven biển,… Tuy nhiên nhiều kết quả trong số đó còn chưa được công bố chính thức, đồng thời các số liệu này cũng đã được nghiên cứu từ cách đây tương đối lâu. Vì vậy trong khuôn khổ của đề tài “Giải pháp khoa học và công nghệ phục vụ nuôi trồng thủy hải sản bền vững ở vùng biển tỉnh Kiên Giang” nhóm nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu về khu hệ Động vật nổi tại vùng biển Kiên Giang, nhằm có được các số liệu mới nhất về môi trường, hệ sinh thái nói chung và khu hệ Động vật nổi nói riêng; từ đó có cơ sở cho việc phân tích, đánh giá và đưa ra được kiến nghị phục vụ cho việc nuôi trồng thủy hải sản bền vững tại vùng biển đầy tiềm năng này.

Mẫu Động vật nổi đã được thu tại 19 điểm vào đợt tháng 10/2020 đại diện cho mùa mưa và 14 điểm vào đợt tháng 4/2021 đại diện cho mùa khô tại vùng biển Kiên Giang.

Động vật nổi được thu và phân tích theo quy định Hướng dẫn điều tra Đa dạng sinh học Động vật nổi của Bộ Tài nguyên Môi trường theo Công văn số 2149/TCMT-BTĐDSH, ngày 14/9/2016 của Tổng cục Môi trường, theo đó:

Động vật nổi được thu bằng cách kéo lưới vớt dạng hình nón có kích thước mắt lưới 120µm, đường kính miệng lưới 40cm với diện tích miệng lưới 0,125m2, miệng lưới được gắn lưu tốc kế để tính thể tích nước lọc qua lưới. Lưới được kéo ở tầng mặt với tốc độ 0,5m/s. Các mẫu ĐVN được cố định ngay tại hiện trường bằng dung dịch formol sao cho nồng độ formol cuối cùng trong mẫu đạt khoảng 4 – 5%. Mẫu thu được đánh dấu, ghi chú trên nhãn. Ngoài ra, ghi chú thực địa cũng được thực hiện và đây là những thông tin quan trọng góp phần lý giải, làm sáng tỏ kết quả phân tích.

Trong phòng thí nghiệm, sử dụng kính hiển vi quang học Olympus CX41 với độ phóng đại từ 40 – 1000 lần để định loại Động vật nổi. Mẫu ĐVN được xác định thành phần loài và đếm 1/20, 1/10, 1/5 hoặc toàn bộ mẫu để tính số lượng cá thể/m3.

Kết quả nghiên cứu đã xác định được ở vùng biển Kiên Giang có tổng số 71 loài ĐVN thuộc 6 ngành, 11 nhóm. Nhóm Giáp xác Chân mái chèo có số loài đa dạng nhất (46 loài, chiếm 64,8%). Nghiên cứu đã xác định được trong thành phần loài Động vật nổi ở vùng biển Kiên Giang có 62 loài là thức ăn của cá và không có loài độc hại. Thành phần loài vào mùa mưa (63 loài) đa dạng hơn so với mùa khô (42 loài), vào mùa mưa có sự xuất hiện của nhóm loài nước ngọt ở khu vực biển Dương Đông thuộc đảo Phú Quốc, vì vậy cần lưu ý cho lĩnh vực nuôi trồng hải sản bởi vào mùa mưa có thể có sự xâm nhập của nguồn nước ngọt từ trên đảo đổ ra biển ở khu vực này.

Thành phần loài Động vật nổi ghi nhận được tại khu vực quần đảo Nam Du, Phú Quốc, Hải Tặc và Bà Lụa ít có sự khác biệt; dao động trong khoảng từ 46 – 51 loài/khu vực. Trong đó khu vực quần đảo Nam Du có số loài cao nhất (51 loài), khu vực quần đảo Hải Tặc có số loài thấp nhất (46 loài).

Mật độ trung bình của động vật nổi trên toàn vùng biển Kiên Giang đã được xác định là 14.844 cá thể/m3. Mùa mưa mật độ cao hơn so với mùa khô (16.918 cá thể/m3 so với 11.973 cá thể/m3). Mật độ ở khu vực quần đảo Bà Lụa là cao nhất (25.985 cá thể/m3) và thấp nhất là Phú Quốc (7.377 cá thể/m3). Thông qua mật độ đã cho thấy nguồn thức ăn tự nhiên ở vùng biển này khá dồi dào, đây là một lợi thế cho nuôi trồng hải sản tại vùng biển Kiên Giang.

Giá trị tính đa dạng Dv của ĐVN ở vùng biển Kiên Giang dao động từ 1,20 – 3,05; với tính đa dạng ở mức “Trung bình” đến “Phong phú”. Chỉ số đa dạng H’ và giá trị tính đa dạng Dv vào mùa mưa cao hơn so với mùa khô, sự khác nhau giữa 2 mùa này là có ý nghĩa về mặt thống kê (Mann - Whitney test, p < 0,05). Điều này có thể phản ánh cho điều kiện môi trường sinh thái giữa hai mùa ở vùng biển này là không giống nhau. Vì vậy trong nuôi trồng thủy hải sản tại vùng biển Kiên Giang cũng cần chú ý đến việc tính toán, lựa chọn mùa vụ nuôi và đối tượng nuôi phù hợp nhằm giảm thiểu rủi ro do sự biến động điều kiện môi trường sinh thái từ sự thay đổi mùa gây ra.

lttsuong

Theo Tạp Chí Khoa Học Và Công Nghệ Thủy Lợi Số 71 - 2022
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ