Sau 25 năm, Việt Nam có 70 triệu người dùng Internet
Người dùng Việt Nam dành trung bình tới gần 7 giờ mỗi ngày để tham gia các hoạt động liên quan tới Internet và tỉ lệ người sử dụng Internet hàng ngày lên tới 94%.
Phát biểu tại sự kiện 25 năm Internet Việt Nam và Internet Day 2022, ông Vũ Hoàng Liên - Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam hồi tưởng lại, thời điểm ban đầu, số người sử dụng mạng Internet ở Việt Nam chỉ hơn 200.000 người. Đến năm 2002, có khoảng 3 triệu người (khoảng 4% dân số cả nước thời điểm đó), năm 2007 là gần 20 triệu người, tăng thêm gần 7 lần (chiếm khoảng 24% dân số cả nước).
Sau 25 năm, đến tháng 9/2022, lượng người dùng Internet ở Việt Nam là khoảng 70 triệu người, tăng 0,8% trong giai đoạn 2020 - 2021 (chiếm hơn 70% dân số). Với con số này, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng Internet cao thứ 12 trên toàn thế giới và đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia/vùng lãnh thổ khu vực châu Á. Người dùng Việt Nam dành trung bình tới gần 7 giờ mỗi ngày để tham gia các hoạt động liên quan tới Internet và tỉ lệ người dùng Internet ở Việt Nam sử dụng Internet hàng ngày lên tới 94%.
Hạ tầng băng rộng đã phủ sóng 99,73% số thôn trên toàn quốc; 19,79 triệu hộ gia đình có cáp quang, đạt 72,4%. Hệ thống cáp quang đã triển khai tới 100% các xã, phường, thị trấn, 91% thôn bản, 100% trường học. Số thuê bao điện thoại di động sử dụng smartphone là 94,2 triệu; số thuê bao băng rộng di động là 82,2 triệu, chiếm 74,3% dân số.
Bên cạnh đó, tài nguyên Internet Việt Nam cũng phát triển vượt bậc, góp phần đắc lực cho sự phát triển mạnh mẽ của Internet Việt Nam. Tính đến 31/10/2022, số lượng tên miền đạt mốc 564.444, gấp khoảng 1.000 lần so với thời kỳ đầu Internet Việt Nam. Tên miền ".vn" là tên miền quốc gia có số lượng đăng ký sử dụng lớn nhất khu vực Đông Nam Á, Top 10 châu Á Thái Bình Dương.
Về IP/ASN, từ ba mạng độc lập của các ISP đầu tiên năm 2002, đến tháng 10/2022, có tổng số 791 tổ chức, doanh nghiệp sử dụng IP/ASN độc lập; tổng số mạng AS độc lập trên Internet Việt Nam là 533, là các mạng hạt nhân kết nối với nhau hình thành Internet Việt Nam. Lượng địa chỉ IPv4 Việt Nam đã tăng trưởng lên tới hơn 16 triệu địa chỉ, đứng thứ 8 khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, thứ 29 toàn cầu về IPv4.
Ảnh minh họa
Sự phát triển của Internet đã dẫn đến sự cạn kiệt địa chỉ IPv4 trên toàn cầu kể từ năm 2011. Đón trước xu thế tất yếu trong ứng dụng IPv6, Việt Nam đã triển khai các hoạt động thúc đẩy và chuẩn bị chuyển đổi sử dụng địa chỉ Internet thế hệ mới IPv6 từ năm 2008 với mục tiêu tổng thể là đảm bảo "Internet Việt Nam hoạt động an toàn, ổn định trên nền tảng công nghệ IPv6 từ năm 2019". Tính đến hết tháng 10/2022, tỷ lệ ứng dụng IPv6 Việt Nam đạt khoảng 53% đứng thứ 2 ASEAN, thứ 8 toàn cầu.
Hướng tới mục tiêu phát triển Internet rộng khắp, phổ cập, băng thông rộng, an toàn, bền vững, thông minh, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) đã xác định các nền tảng, dịch vụ tài nguyên số là yếu tố quan trọng tạo đà phát triển cho hạ tầng Internet Việt Nam; xác định các nội dung chiến lược về thúc đẩy, phát triển tài nguyên Internet Việt Nam sẵn sàng cho giai đoạn phát triển bứt phá của Internet Việt Nam.
Phổ cập tên miền ".vn", thúc đẩy sử dụng tên miền ".vn" và các sản phẩm dịch vụ số phục vụ hoạt động kinh tế, xã hội số, hướng tới mục tiêu "Internet for all". Không gian tên miền quốc gia Việt Nam ".vn" được mở rộng thêm với 03 đuôi tên miền cấp 2 dùng chung mới: .id.vn; .io.vn; ai.vn. Theo đó, đến năm 2025, mục tiêu tối thiểu đạt 1 triệu tên miền ".vn". Người dân, doanh nghiệp Việt Nam khai thác giá trị tài nguyên Internet quốc gia, phát triển kinh tế số, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.
Chuyển đổi toàn diện Internet Việt Nam sang IPv6. IPv6 đã được thiết kế mặc định và bắt buộc trong các dịch vụ 5G, IoT và được xác định cùng với trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ tạo nên thế hệ mạng thông tin mới (IPv6+) cho kỷ nguyên của 5G và cloud. Hiện nay, việc chuyển đổi, hướng tới hoạt động thuần IPv6 ngày càng định hình rõ nét. Hạ tầng số Việt Nam cần đảm bảo sẵn sàng với thế hệ địa chỉ Internet IPv6. Để đảm bảo sự phát triển Internet Việt Nam, sẵn sàng cho Internet vạn vật (IoT) và các dịch vụ công nghệ mới.
Xây dựng và phát triển các hệ thống hạ tầng Internet quan trọng quốc gia; đảm bảo khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên số. Hệ thống DNS quốc gia cùng với trạm Trung chuyển Internet quốc gia VNIX, hệ thống quản lý tài nguyên Internet quốc gia được phát triển theo chuẩn mực quốc tế, bảo đảm hoạt động ổn định thông suốt, chất lượng cao và an toàn, là nền tảng đưa ra dịch vụ/ứng dụng mới, thúc đẩy phát triển Internet Việt Nam, góp phần thúc đẩy nền tảng chuyển đổi số, phát triển các dịch vụ trực tuyến, Chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số.
Bảo Lâm