SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Bộ chỉ số giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu

[12/12/2022 08:13]

Hiện nay, các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu ngày càng tăng và nhu cầu về tài chính dành cho thích ứng cũng lớn hơn. Do vậy, thiết lập một hệ thống giám sát và đánh giá trở thành một yêu cầu cấp thiết để đảm bảo hiệu quả cũng như phân bổ nguồn vốn hợp lý cho việc thực hiện các hành động thích ứng với biến đổi khí hậu. Nghiên cứu do Cục Biến đổi khí hậu và Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu thực hiện.

Giám sát là quá trình theo dõi và xem xét  liên tục việc triển khai các hoạt động, kết quả của các hoạt động đó và bối cảnh xung quanh. Quá trình giám sát tạo ra các thông tin để sử dụng trong đánh giá chuyên sâu các dự án hoặc chương trình. Nhìn chung, hệ thống giám sát và đánh giá (M&E) thường được sử dụng khi bên thực hiện cần ghi lại kết quả và cải thiện hiệu quả của các hoạt động đang được thực hiện. Đặc biệt, do tính không chắc chắn và các tác động của biến đổi khí hậu, M&E đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong thúc đẩy sự thành công của quá trình thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hệ thống M&E đối với các hành động thích ứng với biến đổi khí hậu có ý nghĩa quan trọng, bao gồm: Giúp xác định những nội dung hoặc thành phần nào đang hoạt động, nội dung nào không hoạt động và nguyên nhân gây ra. Từ đó, có thể xác định và triển khai các cơ chế và giải pháp để điều chỉnh quá trình thích ứng, làm cho các hoạt động thích ứng trở nên hiệu quả hơn; có thể được sử dụng để kiểm tra năng lực thích ứng của một quốc gia, lĩnh vực hoặc cộng đồng đã được tăng cường hay chưa đối với các tác động tiềm tàng của BĐKH trong tương lai; giúp chứng minh được hiệu quả của thích ứng sử dụng nguồn tài chính từ quốc gia cũng như các nguồn tài trợ quốc tế.

Hiện nay, thiết lập một hệ thống giám sát  và đánh giá trở thành một yêu cầu cấp thiết để đảm bảo hiệu quả cũng như phân bổ nguồn vốn hợp lý cho việc thực hiện các hành động thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Quá trình xây dựng hệ thống M&E thường gặp một số khó khăn như:

- Xác định mối quan hệ nhân quả và sự phức tạp của các yếu tố quyết định: Thích ứng với BĐKH là một quá trình dài hạn, tác động lên nhiều khía cạnh khác nhau và được thực hiện bởi một loạt các hành động khác nhau đối với cùng một mục tiêu thích ứng. Hiện nay, trên thế giới có sự đồng thuận ngày càng tăng rằng thực hành tốt đối với M&E là tập trung hơn vào xác định một hành động thích ứng sẽ đóng góp như thế nào đối với kết quả (outcome) dự kiến;

- Xác định vấn đề thích ứng không phù hợp: Các hành động thích ứng đôi khi có thể không thành công do không đạt được mục tiêu đề ra. Các hành động thích ứng không phù hợp có thể dẫn đến kết quả tiêu cực cho cả xã hội và môi trường;

- Giả định không thực hiện hành động thích ứng: Giả định không thích ứng là sự so sánh giữa những gì thực sự xảy khi thực hiện các hành động thích ứng và những gì sẽ xảy ra trong trường hợp không thực hiện hành động thích ứng. Tuy nhiên, việc xây dựng được một kịch bản giả định không thích ứng là khá khó khăn. Do đó, thách thức đối với M&E là phải xác định được khi nào kịch bản không thích ứng nên được xây dựng, loại kịch bản nào sẽ phù hợp và cách áp dụng nó tốt nhất để đánh giá sự phức tạp và không chắc chắn của các quá trình thích ứng;

- Xây dựng đường cơ sở và sự thay đổi của đường cơ sở: Các chính sách và hành động thích ứng thường không chỉ ra các mục tiêu cụ thể và có thể đo lường được, nên việc xây dựng đường cơ sở cho thích ứng thường gặp nhiều khó khăn. Trong thích ứng với BĐKH, khi các điều kiện cơ bản tự thay đổi theo những hướng mới và không chắc chắn thì tính hợp lệ của các so sánh về hiệu quả của thích ứng với đường cơ sở trước khi can thiệp cũng bị giảm;

- Thay đổi khung thời gian: Do kết quả của các hành động thích ứng có thể ghi nhận được trong ngắn hạn và dài hạn, các hệ thống M&E phải đánh giá sự thành công của các hành động này trong một khoảng thời gian liên tục hoặc đánh giá tác động của các hành động đó một thời gian dài sau khi hoàn thành dự án;

- Thích ứng là một mục tiêu động: Thích ứng với BĐKH thực chất là một mục tiêu động do mức độ phơi bày thay đổi và có thể thay đổi trong suốt quá trình của dự án. Mục tiêu đặt ra lúc bắt đầu dự án có thể không trùng với mục tiêu ở cuối dự án;

- Sự không chắc chắn: Hệ thống M&E cần được thiết lập để giải quyết sự biến động và không chắc chắn vốn có của BĐKH. Các yếu tố dẫn đến sự không chắc chắn trong đánh giá rủi ro khí hậu (theo mức độ tăng dần) bao gồm từ điều kiện xã hội trong tương lai, dự báo lượng phát thải khí nhà kính, kịch bản khí hậu toàn cầu, kịch bản khu vực, các mô hình tác động, các kịch bản địa phương đến các phản ứng thích ứng thực tế;

- Thiếu thống nhất về định nghĩa bao gồm các yếu tố tạo nên thích ứng thành công. Hiện nay, chưa có một định nghĩa thống nhất về thích ứng, đặc biệt là đối với vấn đề thích ứng thành công là kết quả, quá trình hay cả hai;

- Bản chất liên ngành, liên lĩnh vực. Thích ứng bao gồm nhiều đối tượng khác nhau ở các cấp độ khác nhau từ cấp quốc gia đến cấp địa phương, giữa các bộ, ngành, giữa các khu vực công, khu vực tư nhân và các khu vực không chính thức. Do đó, M&E cần xem xét toàn bộ hệ thống, xem xét mối liên kết giữa các sắp xếp thể chế khác nhau.

Các chỉ số được xây dựng để định lượng được mức độ thành công/hiệu quả của một hoạt động/dự án thích ứng với biến đổi khí hậu. Các chỉ số được sử dụng nhằm hai mục đích: (1) Đo lường tiến độ đạt được một mục tiêu ưu tiên thích ứng; và (2) Đánh giá đóng góp của những hành động cụ thể hướng tới mục tiêu ưu tiên thích ứng.

Ảnh minh họa

Nghiên cứu này dựa trên cơ sở tham khảo các tài liệu kỹ thuật của Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ), Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Bộ công cụ giám sát và báo cáo của PPCR - CIF, Công cụ đánh giá khả năng chống chịu dựa vào cộng đồng (CoBRA) của UNDP, Sổ tay giám sát, đánh giá, phản hồi và học tập có sự tham gia (PMERL) đối với thích ứng dựa vào cộng đồng của CARE, Khung giám sát thích ứng và đánh giá phát triển (TAMD) của Viện Môi trường và Phát triển Quốc tế IIED; nghiên cứu bộ tiêu chí của một số nước như Kenya, Morocco, Vương quốc Anh, Pháp, Nepal, Philippines… để xây dựng bộ chỉ số đánh giá hiệu quả của các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Trên cơ sở hai cách tiếp cận: (i) Cách tiếp cận từ trên xuống; và (ii) Tiếp cận từ dưới lên đó, nghiên cứu đã xây dựng bộ chỉ số đánh giá hiệu quả thích ứng ở cấp quốc gia và cấp tỉnh/thành phố.

Hiệu quả thích ứng với biến đổi khí hậu ở cấp quốc gia sẽ được các cơ quan ở Trung ương đánh giá thông qua các bộ tiêu chí cấp quốc gia. Kết quả đánh giá sẽ được sử dụng cho việc xây dựng các báo cáo về thích ứng với biến đổi khí hậu của quốc gia hàng năm trình Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu, Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ, định kỳ báo cáo Quốc Hội. Các kết quả này cũng sẽ được dùng để xây dựng các báo cáo nộp cho Ban thư ký của Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, bao gồm: Báo cáo quốc gia về thích ứng với biến đổi khí hậu lần thứ nhất vào năm 2024 và định kỳ bốn năm một lần; Thông báo quốc gia lần thứ tư vào năm 2022 và định kỳ bốn năm một lần; Báo cáo rà soát và cập nhật định kỳ Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) vào năm 2025 và 2030. Bộ tiêu chí cấp quốc gia bao gồm 2 bộ tiêu  chí thành phần: (i) Bộ tiêu chí đánh giá các hoạt động thích ứng ở cấp quốc gia; (ii) Bộ tiêu chí tổng hợp, đánh giá hiệu quả của hoạt động thích ứng cấp tỉnh đối với việc đạt được mục tiêu thích ứng cấp quốc gia.

Hiệu quả của các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu cấp tỉnh được các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương sẽ được đánh giá thông qua các bộ tiêu chí cấp tỉnh. Bộ tiêu chí cấp tỉnh bao gồm 2 bộ tiêu chí thành phần: (i) Bộ tiêu chí đánh giá kết quả của việc thực hiện các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu của địa phương; (ii) Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả của các hoạt động thích ứng cấp quốc gia đối với việc giảm nhẹ tình trạng dễ bị tổn thương của địa phương.

Tạp Chí Khoa Học Biến Đổi Khí Hậu, Số 22 - Tháng 6/2022
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ