Ảnh hưởng của nước muối lên khả năng tăng trọng và năng suất sữa của dê
Mục tiêu của thí nghiệm là đánh giá ảnh hưởng của nước muối lên khả năng tăng trọng và năng suất sữa của dê.
Thí nghiệm được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên với 04 nghiệm thức (NT) và 05 lần lập lại trên 20 dê thịt lai Boer (thí nghiệm 1) và 20 dê sữa lai Saanen (thí nghiệm 2) gồm: NT đối chứng (ĐC, nước ngọt), 3 nghiệm thức nước mặn là các nồng độ nước biển pha loãng: 0,50; 1,00 và 1,50% (NT5, NT10 và NT15). Kết quả thí nghiệm 1 cho thấy lượng thức ăn tiêu thụ (DMI) giảm và lượng nước uống (WI) tăng dần khi tăng dần nồng độ muối trong nước uống. Trọng lượng, tăng trọng, tần số hô hấp và nhiệt độ trực tràng của dê không có sự khác biệt giữa các nghiệm thức (P>0,05). Tuy nhiên, ở thời điểm 15:00 giờ, dê ở NT15 giảm tần số hô hấp và tăng nhiệt độ trực tràng so với NT ĐC. Kết quả thí nghiệm 2 cho thấy DMI, trọng lượng, năng suất sữa không khác biệt giữa các NT (P>0,05). WI của dê tăng khi uống nước muối có nồng độ 0,.5% và 1%, nhưng ở nồng độ 1,5% thì WI giảm so với nhóm NT5 và NT10 (P<0,05). Dê ở NT15 tăng nhiệt độ trực tràng và tần số hô hấp ở thời điểm 15:00 – 17:00 giờ so với các NT của thí nghiệm (P<0,05). ><0,05). Kết quả thí nghiệm cho thấy khả năng đáp ứng với nước muối khác nhau giữa dê thịt và dê sữa.
Theo những nghiên cứu gần đây, Việt Nam được xếp vào nhóm các quốc gia thiếu nước với tổng bình quân đầu người cả nước mặt và nước ngầm trên phạm vi lãnh thổ là 4.400 m3 /người/năm (so với bình quân thế giới là 7.400 m3 /người/, năm). Theo tính toán, nếu mực nước biển Việt Nam dâng 1 m thì 39% diện tích Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) có nguy cơ bị ngập mặn. Tại một số tỉnh ĐBSCL trong năm 2016, độ mặn đo được tại một số địa phương từ 6‰ đến 15‰. Hiện tượng xâm nhập mặn khiến tài nguyên nước ngọt khan hiếm, không đủ để cung cấp cho con người và vật nuôi, quá trình chăn nuôi sẽ gặp nhiều khó khăn. Việc xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu (BĐKH) gây ra không chỉ làm cho nguồn nước ngọt khan hiếm mà còn có khuynh hướng làm giảm chất lượng nước do nước bị nhiễm mặn, nhiễm phèn quá cao. Khi đó gia súc, gia cầm sử dụng các nguồn nước ô nhiễm, không đạt tiêu chuẩn này làm phát sinh thêm nhiều bệnh tật, ảnh hưởng đến sức khỏe vật nuôi. Vì vậy, cần phải có một số giải pháp trong chăn nuôi để thích ứng với biến đổi khí hậu ở vùng ĐBSCL. Để phát triển ngành chăn nuôi vùng ĐBSCL theo hướng bền vững, cần có những giải pháp để ngành chăn nuôi thích ứng với tình hình BĐKH hiện nay như: tổ chức lại cơ cấu giống vật nuôi, thay đổi phương thức chăn nuôi, chọn tạo các giống cỏ chịu hạn, mặn. Dê có khối lượng nhỏ, nhu cầu thức ăn ít nên không đòi hỏi diện tích chuồng trại và đồng cỏ lớn so với trâu bò. Thêm vào đó khả năng chống chịu với điều kiện nắng nóng (HTa) của dê tốt hơn so với trâu, bò (Silanikove, 2000). Vì vậy, dê có thể được xem là vật nuôi thích hợp trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay tại Việt Nam. Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng dê có khả năng sử dụng nước uống có độ mặn khác nhau, cũng như sự đáp ứng với khả năng chịu mặn khác nhau giữa dê thịt và dê sữa (El Gawad, 1997; Mdletshe et al., 2017). Dê có thể chấp nhận 1,5% NaCl trong nước uống (Nassar and Moussa, 1981), trong khi dê Boer không uống nước mặn từ 1,25 đến 1,5% NaCl và có độ nhạy cao hơn đối với việc uống nước muối trong thời gian dài (Runa et. al., 2016). Abou Hussien et al. (1994) nhận ra rằng cừu và dê uống nước muối đã kiểm soát sự thải muối bằng cách bài tiết nhiều qua nước tiểu và tăng tỷ lệ lọc ở cầu thận, trong khi lạc đà uống nước muối ít để giảm stress muối. Có thể nhận thấy rằng dê có thể chấp nhận nước uống có nồng độ muối 1,5%, tuy nhiên nếu sử dụng trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến năng suất và những thay đổi sinh lý của dê.
Tại ĐBSCL, các tỉnh có số lượng đàn dê lớn là các tỉnh ven biển như Bến Tre, Tiền Giang và Trà Vinh. Hàng năm, các tỉnh này chịu ảnh hưởng nặng nề của xâm ngập mặn trong những tháng mùa khô và cũng ảnh hưởng rất lớn đến đàn gia súc đang nuôi tại đây. Tuy nhiên, cho đến nay tại Việt Nam nói chung và khu vực ĐBSCL nói riêng chưa có các nghiên cứu cơ bản, có hệ thống nào để đánh giá khả năng chịu mặn của dê thịt và dê sữa trong điều kiện khí hậu nhiệt đới. Xuất phát từ những vấn đề trên, đề tài “Ảnh hưởng của nước muối lên khả năng tăng trọng và năng suất sữa của dê” được thực hiện là cần thiết. Mục tiêu của nghiên cứu là đánh giá ảnh hưởng của các mức độ mặn trong nước uống lên sự đáp ứng sinh lý, khả năng tăng trọng và năng suất sữa dê.
nqhuy
Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 58, Số Chuyên đề SDMD (2022): 48-55