SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Mô hình trồng rau xà lách (Lactuca sativa), dẹ bún (Brassica pekinensis) khí canh mặt ngang nâng cao năng suất, tiết kiệm và hiệu quả

[12/12/2022 09:11]

Mô hình trồng rau xà lách (Lactuca sativa), bẹ dún (Brassica pekinensis) khí canh mặt ngang được thực hiện tại Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng và Dịch vụ Khoa học và Công nghệ Tiền Giang từ năm 2019 - 2020 nhằm khảo sát sự sinh trưởng và năng suất rau cải xà lách và cải bẹ dún trồng trong điều kiện khí canh trụ đứng và khí canh mặt ngang.

Thí nghiệm 1 đươc bố trí kiểu khối hoàn toàn ngẫu nhiên 6 nghiệm thức và 3 lần lặp lại. Kết quả ghi nhận nghiệm thức 4 (Khí canh áp cao - nồng độ dinh dưỡng 1200 ppm) cho khối lượng cây và năng suất đạt cao nhất là 108,2 g/cây và 2612,0 g/m2 . Thí nghiệm 2 được bố trí theo kiểu khối hoàn toàn ngẫu nhiên với 4 nghiệm thức và 4 lần lặp lại. Kết quả thí nghiệm 2 ghi nhận nghiệm thức 1: Xà lách - khí canh mặt ngang cho khối lượng cây và năng suất đạt cao (245,6 g/cây và 5,50 kg/m2 ). Nghiệm thức 3: Cải dún - khí canh mặt ngang cho khối lượng cây và năng suất đạt cao (109,5 g/cây và 3,05 kg/m2 ). Kết quả thí nghiệm là cơ sở bước đầu đưa vào mô hình trồng rau khí canh mặt ngang giúp nâng cao năng suất, tiết kiệm nước tưới, rau không chứa dư lượng nitrate. Mô hình trồng rau khí canh mặt ngang đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người trồng rau.

Cây rau xà lách (Lactuca sativa), và rau cải dún (Brassica pekinensis) giữ vị trí quan trọng trong ngành rau ăn lá nhờ năng suất cao, thích nghi rộng rãi với điều kiện thời tiết, khí hậu đất đai khác nhau. Cải xà lách và cải dún rất giàu vitamin K và vitamin A, ngoài ra còn là nguồn cung cấp folate và sắt. Khi rau trồng trên đất rất dễ bị sâu, tuyến trùng gây hại. Nguồn nước tưới bị ô nhiễm ảnh hưởng đến chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Sự thiếu hụt dinh dưỡng trong đất ảnh hưởng đến sự sinh trưởng (Bradley et al., 2009) vì vậy làm ảnh hưởng đến năng suất và rau trồng phụ thuộc vào mùa vụ. Butler and Oebker (2006) báo cáo rằng kỹ thuật trồng cây không cần đất mang lại nhiều lợi ích kinh tế xã hội bao gồm khả năng đối phó với những thách thức ngày càng tăng về lương thực toàn cầu, những thay đổi về môi trường, khí hậu, quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Trồng rau không cần đất bao gồm thủy canh và khí canh được xem là các chiến lược nông nghiệp mới giúp tiết kiệm những tài nguyên nước và thủy lợi (Raviv & Lieth, 2008), là một trong những chiến lược nông nghiệp sáng tạo hơn để sản xuất được nhiều hơn trên cùng đơn vị diện tích (Buckseth, 2016). Thủy canh và khí canh cả hai hệ thống đều cung cấp chính xác lượng nước và chất dinh dưỡng cần thiết cho cây qua hệ thống rễ. Do đó, năng suất trên mỗi cây trồng và trên một đơn vị diện tích thường được tăng lên (Singh et al., 2019). Hệ thống thủy canh và khí canh đã được áp dụng để sản xuất thương mại trên nhiều loại trên rau như xà lách, cà chua, xanh ớt, ngô và dưa chuột (Espinosa Robles, 2009; Jamshidi et al., 2019). Hệ thống thủy canh được áp dụng qui mô hộ gia đình trên rau xà lách (Duy & Toàn, 2014; Ba và ctv., 2016). Một số nghiên cứu đã ghi nhận trồng rau khí canh có thể tiết kiệm nước lên đến 99% và tiết kiệm tới 50% hàm lượng chất dinh dưỡng (Lakhiar et al., 2018). Thủy canh thì bộ rễ cây ngâm trong nước, khí canh thì bộ rễ cây treo lơ lửng trong không khí được phun sương giữ ẩm, cả hai kiểu trồng này dung dịch dinh dưỡng cung cấp cho cây trồng được kiểm soát dễ dàng. Khí canh ngày càng được sử dụng rộng rãi để trồng nhiều loại cây rau như xà lách, dưa chuột, dưa, cà chua, rau thơm, khoai tây và hoa màu, và đặc biệt là đối với những loại cây trồng mà rễ được thu hoạch như sản phẩm cuối cùng. Kích thước giọt phun dinh dưỡng và tần suất tiếp xúc của rễ với dung dịch dinh dưỡng là những yếu tố quan trọng có thể ảnh hưởng đến lượng oxy sẵn có (Jones, 2014). Các giọt phun càng lớn dẫn đến lượng oxy cung cấp cho hệ thống rễ ít hơn, trong khi các giọt quá mịn tạo ra quá nhiều lông rễ mà không phát triển hệ thống rễ bên để tăng trưởng bền vững (Margaret, 2012). Tùy theo cách khuếch tán dung dịch dinh dưỡng, có thể chia hệ thống khí canh làm ba dạng chính: Hệ thống khí canh áp thấp, hệ thống khí canh áp cao và hệ thống khí canh sóng siêu âm. Dung dịch dinh dưỡng phun ở dạng hạt sương có kích thước tối ưu từ 30 – 100 µm phù hợp cho bộ rễ phát triển. Từ thực tế trên các nghiên cứu khảo sát sự sinh trưởng và năng suất rau cải xà lách và cải bẹ dún trồng trong điều kiện khí canh ứng dụng các thông số tối ưu vào xây dựng mô hình trồng rau khí canh mặt ngang tiết kiệm nước, rau không chứa dư lượng nitrate, mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng rau.

nqhuy

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 58, Số Chuyên đề SDMD (2022): 24-30
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ