SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Quy trình làm phân hữu cơ từ bùn thải ao nuôi cá lóc kết hợp với vật liệu hữu cơ

[23/12/2022 10:06]

Nghiên cứu này được tiến hành để đánh giá hiệu quả của việc tái sử dụng bùn thải ao nuôi cá lóc Channa striata kết hợp với vật liệu hữu cơ làm phân bón.

Nuôi trồng thủy sản là một trong những ngành phát triển mạnh trên thế giới, mang lại lợi nhuận, nguồn thu nhập lớn và có giá trị xuất khẩu ở các quốc gia châu Á. Bên cạnh đó, nó cũng tạo ra không ít rủi ro do các tác động tiêu cực đến môi trường như ô nhiễm môi trường nước, thay đổi cảnh quan, mất đa dạng sinh học. Bùn thải các hệ thống ao nuôi trồng thủy sản chứa nhiều sản phẩm hữu cơ, vô cơ, thức ăn thừa và phân thải của cá nuôi chứa nhiều dinh dưỡng, là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng phú dưỡng và ô nhiễm môi trường nước. Mặc dù mang lại hiệu quả kinh tế cho xã hội, nhưng nuôi trồng thủy sản lại có tác động không nhỏ cho môi trường nước.

Thị xã Tân Uyên tỉnh Bình Dương có điều kiên tự nhiên và khí hậu thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp, với hệ thống sông, suối và kênh rạch rất tiềm năng cho nuôi trồng thủy sản. Các loài thủy đặc đặc sản nước ngọt được nuôi nhiều ở địa phương như cá tra, cá tai tượng, cá chép, cá lăng, điêu hồng, cá lóc,…trong đó, cá lóc là đối tượng nuôi phổ biến với hiệu quả kinh tế khá cao là nguồn sinh kế quan trọng của người dân trong những thập niên qua. Do việc sử dụng diện tích nước mặt và cải tạo đất sản xuất nông nghiệp chưa hiệu quả để nuôi trồng thủy sản ngày càng phát triển nhanh dẫn đến những vấn đề về môi trường. Các mô hình nuôi chủ yếu là ao đất bằng thức ăn công nghiệp với mật độ nuôi cao dẫn đến lượng bùn thải từ phân cá và thức ăn thừa lớn. Sau mỗi vụ nuôi lượng bùn thải trong ao nuôi khá cao gây khó khăn cho việc xử lý, phần lớn bùn thải xả trực tiếp ra sông, kênh rạch đã gây ô nhiễm đến môi trường nước và đất trồng.

Để giải quyết các vấn đề về môi trường liên quan đến bùn thải của ao nuôi trồng thủy sản gây ô nhiễm cho hệ thống sông và kênh rạch, đồng thời hạn chế sử dụng phân bón vô cơ trong trồng trọt, nâng cao hiệu quả kinh tế và góp phần bảo vệ môi trường, nghiên cứu tái sử dụng bùn thải ao nuôi cá lóc kết hợp với việc tận dụng vật liệu hữu cơ là xơ dừa và vỏ lạc để làm phân hữu cơ được thực hiện.

Các khâu của quy trình làm phân hữu cơ vi sinh

Bùn thải sau mỗi vụ thu hoạch cá được thu gom và phơi khô trong 7 ngày, sau đó phối trộn với vật liêu hữu cơ (vỏ lạc và xơ dừa) theo tỷ lệ 10% bùn thải: 90% vật liệu hữu cơ; 30% bùn thải: 70% vật liệu hữu cơ; 50% bùn thải: 50% vật liệu hữu cơ và 70% bùn thải: 30% vật liệu hữu cơ ủ trong 90 ngày, thí nghiệm được bố trí 5 nghiệm thức khác nhau với 3 lần lặp lại cho mỗi nghiệm thức. Kết quả phân tích cho thấy hàm lượng dinh dưỡng cao nhất của phân thể hiện ở NT4 là 30% bùn thải kết hợp 70% vật liệu hữu cơ, thấp nhất là NT1 90% bùn thải +10% vật liệu hữu cơ.

Như vậy vật liệu hữu cơ (vỏ lạc và xơ dừa) phụ phẩm từ nông nghiệp kết hợp với bùn thải ao nuôi cá lóc với tỷ lệ thích hợp làm phân bón hữu cơ sử dụng trong sản xuất nông nghiệp rất tiềm năng và giải quyết được các vấn đề về môi trường.

lttsuong

Tạp chí Khoa học Đại học Thủ Dầu Một, Số 6(61)-2022
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ