Nghiên cứu chưng cất tinh dầu Chúc (Citus hystrix DC.) và ứng dụng phối chế xà phòng diệt khuẩn
Trong nghiên cứu này, tinh dầu chúc được chưng cất bằng phương pháp chưng cất lôi cuốn hơi nước và ứng dụng vào phối chế xà phòng diệt khuẩn.
Điều kiện tối ưu cho quá trình trích ly tinh dầu chúc là vỏ trái chúc xay nhuyễn, tỉ lệ vỏ chúc:nước cất (g/mL) (1:2), thời gian chưng cất 150 phút, nhiệt độ chưng cất 100°C và hiệu suất trích ly tinh dầu thu được là 1,85%. Kết quả phân tích sắc ký ghép khối khổ (GC-MS) cho thấy thành phần chính có trong tinh dầu chúc là 30,42% b-pinene, 18,09% sabinene, 17,56% limonene và 10,77% b-citronellal. Hoạt tính kháng khuẩn của tinh dầu chúc được thể hiện trên 6 chủng vi khuẩn là Escherichia coli, Staphylococcus aureus, Psedomomas aeruginosa, Bacillus cereus, Samonella typhi và Listeria innocua. Tinh dầu chúc sau khi trích ly được sử dụng trong xà phòng diệt khuẩn. Công thức phối chế xà phòng diệt khuẩn gồm dầu dừa, dầu hướng dương, dung dịch KOH 25%, tinh dầu chúc, citric acid, vitamin E. Xà phòng ở trạng thái lỏng sánh, có mùi thơm dễ chịu đặc trưng hương chúc, có khả năng kháng được cả 6 đối tượng vi khuẩn trên.
Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và làm đẹp cơ thể cũng ngày càng cao. Các sản phẩm chăm sóc cá nhân hiện có trên thị trường phần lớn có nguồn gốc tổng hợp, không ít sản phẩm kém chất lượng, chứa hóa chất độc hại ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của người tiêu dùng. Để khắc phục những nhược điểm này, các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên xuất hiện trên thị trường ngày càng nhiều, đa dạng về chủng loại và mẫu mã với ưu điểm an toàn với con người và thân thiện với môi trường. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới và trong nước, xà phòng trở thành sản phẩm vô cùng thiết yếu, việc rửa tay thường xuyên với xà phòng và tuân thủ khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế là một cách đơn giản góp phần đẩy lùi dịch bệnh.
Việc nghiên cứu sử dụng kết hợp các loại dầu thực vật cũng như ứng dụng các tinh dầu thiên nhiên để khắc phục nhược điểm trong phối chế xà phòng là vấn đề cần đặc biệt quan tâm. Hiện nay, trên thị trường có nhiều sản phẩm xà phòng hữu cơ như xà phòng Dr. Bronner, xà phòng nước castile với nhiều mùi hương đa dạng từ tinh dầu thiên nhiên như bạc hà, tràm trà, hoa hồng, hoa oải hương,... Theo tìm hiểu, cho đến nay vẫn chưa có loại xà phòng nào chứa tinh dầu chúc, mặc dù tinh dầu chúc có hương thơm tươi mát cùng hoạt tính diệt khuẩn.
Tinh dầu chúc có mùi thơm the mát, thanh khiết, có khả năng xua đuổi côn trùng và có nhiều lợi ích đối với sức khỏe như giúp giảm stress, cải thiện giấc ngủ và lưu thông máu huyết. Vì vậy, tinh dầu trái chúc có nhiều ứng dụng trong đời sống như sản xuất mỹ phẩm, dược liệu, làm hương liệu sản xuất xà phòng, làm tiền chất sản xuất thuốc,… Ngoài ra, tinh dầu trái chúc còn được biết đến với khả năng kháng khuẩn tự nhiên (Habsari et al., 2018; Budierto et al., 2021). Do đó, tinh dầu chúc còn được nghiên cứu ứng dụng trong các sản phẩm diệt khuẩn (Srifuengfung et al., 2020; Sreepian et al., 2019).
Trong nghiên cứu này, các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình trích ly tinh dầu chúc bằng phương pháp chưng cất lôi cuốn hơi nước đã được khảo sát để tìm ra điều kiện tối ưu, đồng thời ứng dụng tinh dầu chúc phối chế xà phòng diệt khuẩn. Quy trình phối chế xà phòng chứa tinh dầu chúc và hoạt tính kháng khuẩn của xà phòng cũng được khảo sát.
Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 58, Số 2A (2022): 1-10