SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ảnh hưởng thời điểm bổ sung thức ăn tổng hợp lên tăng trưởng và tỷ lệ sống của cá Chim vây vàng (Trachinotus blochii) giai đoạn

[28/12/2022 14:54]

Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định thời gian bổ sung thức ăn tổng hợp thích hợp lên sinh trưởng và đồng thời nâng cao tỷ lệ sống của cá chim vây vàng ở giai đoạn cá hương lên cá giống.

Thí nghiệm được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên gồm 4 nghiệm thức với thời điểm bổ sung thức ăn tổng hợp khác nhau (15, 18, 21, 24 ngày tuổi) với 3 lần lặp lại. Cá được bố trí trong bể nhựa có thể tích 100 L/bể, độ mặn 30‰ và mật độ ương 1 con/lít. Cá có khối lượng và chiều dài trung bình ban đầu lần lượt là 0,03 g/con và 9,02 mm/con. Sau 30 ngày ương, không có sự khác biệt về tăng trưởng chiều dài và chiều cao thân giữa các nghiệm thức (DLG và SGRL, DHG và SGRH, p > 0,05), nhưng tăng trưởng khối lượng cá (DWG và SGRW) ở nghiệm thức bổ sung ngày 15-18 tuổi (DAH) cao hơn đáng kể so với 24 DAH (p < 0,05). Tỷ lệ sống của cá đạt 91,48 -97,41%, nhưng không có sự khác biệt về tỷ lệ sống giữa các nghiệm thức (p > 0,05). Kết quả cho thấy nên bắt đầu cho cá ăn thức ăn công nghiệp từ ngày 15-18 DAH.

Cá chim vây vàng (Trachinotus blochii Lacepede, 1801) là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng, xuất khẩu sang một số thị trường như Trung Quốc, Mỹ, Hồng Kông, Hàn Quốc (Thành, 2013). Đây là loài cá nổi, rộng muối, sống chủ yếu ở tầng giữa và tầng mặt, ưa hoạt động, dễ nuôi, có khả năng nuôi với mật độ cao trong lồng hoặc trong ao ở thủy vực nước lợ và nước mặn nên đã trở thành đối tượng nuôi hấp dẫn ở nhiều nước thuộc châu Á - Thái Bình Dương như Đài Loan, Trung Quốc, Hồng Kông, Indonesia, Malaysia, Singapore và Việt Nam (Bình & Thanh, 2008). Đến nay, đã có nhiều công trình nghiên cứu được công bố về đặc điểm sinh học dinh dưỡng, sinh sản và sinh lý sinh sản (Juniyanto et al., 2008), sản xuất giống (Hạnh, 2007; Hùng và ctv., 2013). Bên cạnh đó, giai đoạn ương cá giống được quan tâm về nhiệt độ ảnh hưởng đến sự phát triển và dị hình (Hương, 2016), mật độ và độ mặn ảnh hưởng đến sinh trưởng và tỷ lệ sống (Hằng & Hoà, 2013; Hiền, 2019), thời gian chiếu sáng (Mạnh và ctv., 2013) loại thức ăn (Khánh và ctv., 2020). Trong sản xuất giống nhân tạo, có hai thời điểm quan trọng ảnh hưởng đến tỷ lệ sống và tốc độ sinh trưởng của cá là giai đoạn khi hết noãn hoàng (bắt đầu tập sử dụng thức ăn ngoài và chuyển đổi từ thức ăn sống sang thức ăn công nghiệp. Thời điểm chuyển đổi thức ăn là yếu tố quan trọng ảnh hưởng lớn đến tốc độ sinh trưởng và tỷ lệ sống của đa số các loài cá biển. Bên cạnh đó, trong sản xuất giống cá biển, chi phí cho sử dụng thức ăn tươi sống, đặc biệt là Artemia rất lớn, do đó việc chuyển đổi từ thức ăn tươi sống sang thức ăn viên công nghiệp nhằm giảm chi phí mà vẫn đảm bảo tỷ lệ sống là rất cần thiết. Chính vì thế, nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định thời điểm bổ sung thức ăn tổng hợp thích hợp lên sinh trưởng và đồng thời nâng cao tỷ lệ sống của cá chim vây vàng ở giai đoạn cá hương lên cá giống.

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 58, Số 1B (2022): 205-212
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ