Đánh giá đặc tính sinh trưởng, năng suất và phẩm chất của một số giống khoai lang có hàm lượng Carotenoid cao trong điều kiện trồng chậu
Thí nghiệm được thực hiện nhằm đánh giá đặc tính sinh trưởng, năng suất và phẩm chất của bốn giống khoai lang trong điều kiện trồng chậu.
Nghiên cứu được thực hiện tại hộ nông dân phường Phước Thới, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ, từ tháng 6/2020 đến tháng 12/2020. Thí nghiệm được bố trí theo thể thức hoàn toàn ngẫu nhiên, 4 nghiệm thức là bốn giống khoai lang: bí đỏ, Nhật vàng (HL518), Nhật cam (Kokey14), Tà Nung với 10 lần lặp lại, mỗi lần lặp lại là một chậu trồng khoai; đánh giá năng suất và phẩm chất ở thời điểm thu hoạch. Kết quả thí nghiệm cho thấy giống khoai lang Tà Nung và Nhật cam (Kokey 14) có chiều dài dây ngắn hơn so với hai giống còn lại. Giống khoai lang Nhật vàng (HL518) có số nhánh trên dây ít nhất. Giống khoai lang Nhật cam (Kokey 14) có năng suất củ thương phẩm (13,1 kg/10 chậu), năng suất tổng (14,7 kg/10 chậu) và hàm lượng carotenoid đạt cao nhất (7,2 mg/100 g KLCT). Giống Nhật vàng (HL518) và Tà Nung có hàm lượng tinh bột cao (trên 700 mg/g KLCT).
Khoai lang (Ipomoea batatas (L.) Lam) là loài cây lấy củ có thời gian sinh trưởng ngắn, thích nghi với nhiều loại đất khác nhau. Trong số các giống khoai lang canh tác hiện nay, khoai lang ruột vàng đang được chú trọng trong nghiên cứu vì có chứa nhiều hợp chất carotenoid. Carotenoid thường được tìm thấy trong các loại rau, củ, quả màu vàng, có vai trò quan trọng trong y học, là hợp chất chống oxy hóa, chống ung thư và một số chức năng khác (Zeb & Mehmood, 2004). Hiện nay, nông nghiệp đô thị là ngành kinh tế cung ứng cho người dân lương thực, hoa, sinh vật và thực vật cảnh, trong đó ứng dụng phương pháp canh tác hữu cơ và công nghệ cao không cần nhiều đất đai, ít gây ô nhiễm môi trường đã được ứng dụng trong những năm gần đây. Khoai lang trồng trong chậu có thể phù hợp trong canh tác nông nghiệp đô thị, nông nghiệp xanh và công nghệ cao. Kết quả nghiên cứu của Thảo và ctv. (2019) cho thấy một số giống khoai lang tím trồng chậu đã cho năng suất khá cao, phù hợp cho nông nghiệp đô thị. Sưu tập, đánh giá đặc tính sinh trưởng và năng suất của một số giống khoai lang phù hợp với điều kiện canh tác ở Vĩnh Long và một số vùng ở Đồng bằng sông Cửu Long đang được quan tâm (Lang và ctv., 2013). Tuy nhiên, các nghiên cứu về trồng khoai lang trong điều kiện trồng chậu trên một số giống khoai lang giàu carotenoid chưa có nhiều nghiên cứu được công bố. Chính vì vậy, nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá đặc tính sinh trưởng, năng suất, phẩm chất và hàm lượng carotenoid cao của bốn giống khoai lang tiềm năng trong điều kiện trồng chậu.
Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 58, Số 1B (2022): 163-169