Khảo sát ảnh hưởng của giá thể đến sự sinh trưởng và ra hoa của cây hoa Cát Tường (Eustoma grandiflorum (Raf.) Shinn)
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá sự sinh trưởng và ra hoa của cây hoa Cát Tường (Eustoma grandiflorum (Raf.) Shinn) khi được trồng trên giá thể mụn xơ dừa và trấu tươi với các tỷ lệ trộn khác nhau tại nhà lưới thuộc Khoa Nông nghiệp - Trường Đại học Cần Thơ.
Thí nghiệm được bố trí theo thể thức hoàn toàn ngẫu nhiên gồm có 5 nghiệm thức là 5 công thức phối trộn giá thể khác nhau. Mỗi nghiệm thức có 8 lần lặp lại, mỗi lần lặp lại tương ứng với 1 chậu, mỗi chậu trồng 2 cây. Nghiệm thức 1 (mụn xơ dừa), các nghiệm thức kế tiếp có tỷ lệ mụn xơ dừa: trấu tươi là 4:1, 3:2, 2:3 và 1:4. Kết quả cho thấy cây hoa Cát Tường sinh trưởng và ra hoa tốt ở giá thể phối trộn mụn xơ dừa: trấu tươi tỷ lệ 2:3 hơn so với các tỷ lệ phối trộn khác. Cây có chiều cao (28,2 cm), đường kính thân (3,12 mm), đường kính tán cây (13,3 cm), đường kính chồi (2,94 mm), đường kính hoa (5,8 cm) và chiều cao hoa (10,7 cm), thời gian hoa nở hoàn toàn sau khi trồng (100,0 ngày), thời gian từ khi hoa nở hoàn toàn đến khi hoa tàn (độ bền hoa) là 10,4 ngày.
Cây hoa Cát Tường có tên khoa học là Eustoma grandiflorum (Raf.) Shinn, thuộc họ Gentianaceae, có nguồn gốc từ miền bắc Mexico và miền nam Hoa Kỳ (Kuronuma et al., 2018), sau đó cây được du nhập về trồng tại nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Ở Việt Nam, cây hoa Cát Tường rất ưa chuộng vì có ý nghĩa may mắn, cây được trồng để cắt cành hay trong chậu nhằm mục đích trang trí. Trồng cây hoa trong chậu nói chung hay cây hoa Cát Tường nói riêng, giá thể có ảnh hưởng rất lớn đến sự sinh trưởng và phát triển của cây. Theo Đông và Lộc (2003), giá thể trồng hoa phải có khả năng cung cấp dinh dưỡng, đảm bảo giữ phân, giữ nước và thoáng khí cho cây. Ngoài ra, giá thể trồng hoa phải là vật liệu tương đối rẻ tiền và dễ tìm. Mỗi loại hoa thích ứng với loại giá thể khác nhau và mỗi loại giá thể có đặc tính lý - hóa học khác nhau. Trong thực tế sản xuất, thay vì sử dụng trực tiếp người ta phối trộn một số loại giá thể với nhau nhằm tăng khả năng cung cấp dinh dưỡng, giữ phân và nước cũng như độ thoáng khí cho cây. Ở Đồng bằng sông Cửu Long, nguồn phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp rẻ và dễ tìm có thể dùng làm giá thể tương đối đa dạng và sẵn có như rơm, trấu, mụn xơ dừa,... Theo Caldeira et al. (2013), trấu là loại giá thể thoáng khí và thoát nước nhanh. Mụn xơ dừa có khả năng chống phân hủy (Kiều, 2010), giữ ẩm cao (Uyên & Hồng, 2008). Hiện nay, mặc dù trấu và mụn xơ dừa đã được nghiên cứu cũng như sử dụng làm giá thể trồng nhiều loại hoa kiểng nhưng chưa có nghiên cứu nào được thực hiện ở cây hoa Cát Tường. Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá sự sinh trưởng và ra hoa của cây hoa Cát Tường khi được trồng trên hỗn hợp giá thể mụn xơ dừa và trấu tươi với các tỷ lệ phối trộn khác nhau.
Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ,Tập 58, Số 1B (2022): 156-162