Khảo sát sự sinh trưởng và ra hoa của cây Cúc lá nhám (Zinnia elegans) thủy canh ở các mức độ dinh dưỡng HOAGLAND và ARNON khác nhau
Nhằm tìm ra mức độ dinh dưỡng thích hợp cho sự sinh trưởng và ra hoa của cây cúc lá nhám thủy canh, một nghiên cứu được thực hiện tại nhà lưới Khoa Nông nghiệp - Trường Đại học Cần Thơ từ tháng 12/2019 đến 2/2020.
Dinh dưỡng sử dụng trong thí nghiệm là Hoagland và Arnon (1950) [HO-1950]. Mỗi nghiệm thức có 6 lần lặp lại, mỗi lần lặp lại tương ứng với một chậu, mỗi chậu một cây. Thí nghiệm được bố trí theo thể thức hoàn toàn ngẫu nhiên gồm 5 nghiệm thức với 5 mức độ dinh dưỡng khác nhau. Nghiệm thức 1 sử dụng dinh dưỡng HO-1950 100%, các nghiệm thức tiếp theo là HO-1950 50%, HO-1950 25%, HO-1950 12,5%, và HO[1]1950 6,25% (tương ứng với EC = 2,80, 1,40, 0,70, 0,35 và 0,175 mS/cm theo thứ tự). Kết quả thí nghiệm cho thấy cây sinh trưởng tốt ở mức độ dinh dưỡng HO-1950 50% (EC = 1,4 mS/cm) và HO-1950 100% (EC = 2,8 mS/cm), cây có chiều cao tương ứng là 16,3 và 15,6 cm, đường kính tán cây 13,7 và 13,1 cm. Cây trồng ở dinh dưỡng HO-1950 100% có số hoa và đường kính hoa cao hơn so với ở dinh dưỡng HO-1950 50% (4,8 hoa và 5,1 cm so với 4,2 hoa và 4,8 cm) nhưng không có sự khác biệt ý nghĩa thống kê.
Ngày nay, xu hướng trồng hoa trang trí đang phát triển và có nhu cầu khá lớn. Cúc lá nhám là cây thân thảo, thuộc họ Asteraceae, chi Zinnia sp. Với nhiều màu sắc nổi bật và rực rỡ, cúc lá nhám được nhiều người yêu thích và sử dụng để trang trí vào dịp tết Nguyên Đán. Cây có thể trồng chậu, trong bồn hay trồng thành thảm hoa lớn trang trí sân vườn, công viên,... Gần đây, thủy canh là một trong những biện pháp kỹ thuật giúp cải thiện năng suất và chất lượng cây trồng, phương pháp này đã được nhiều quốc gia có nền nông nghiệp công nghệ cao ứng dụng rộng rãi bởi ưu điểm là tạo được môi trường dinh dưỡng tốt nhất cho cây trồng. Theo Toàn (2009), độ dẫn điện (EC) chỉ ra mức độ của dung dịch dinh dưỡng. Nhu cầu dinh dưỡng khác nhau tùy từng loại cây trồng, cung cấp không phù hợp có thể dẫn đến một số rối loạn sinh lý có thể xảy ra (Resh, 2013); vì thế đã có các nghiên cứu về ảnh hưởng của EC đối với sinh trưởng của cây trồng được thực hiện như của Samarakoon et al. (2006) ở rau xà lách, Wu and Kubota (2008) với cây cà chua, và Breś et al. (2013) trên cúc đồng tiền,… Những EC được đề xuất thủy canh cây trồng như địa lan 0,6-1,5 mS/cm và cúc 1,8-2,4 mS/cm (Toàn, 2009), tử linh lan là 1,2-1,5 mS/cm và cẩm chướng 2,5-3,5 mS/cm (Dunn & Singh, 2016), hoa hồng là 1,5-2,5 mS/cm (Sharma et al., 2018), và đặc biệt ở cây thiên hoàng có EC rất thấp chỉ khoảng 0,0875 mS/cm (Thal, 2017). Hiện nay, nhiều công thức dinh dưỡng được đề xuất để thủy canh cây trồng như HO-1950, Hewitt (1966), Cooper (1979) và Steiner (1984), trong đó dinh dưỡng HO-1950 được nghiên cứu trên nhiều loại cây trồng như cúc đồng tiền (Şirin, 2011), sen cạn (Melo & Santos, 2011), kiểng lá (Vy, 2017), rau xà lách và cải xanh (Thức và ctv., 2019),... Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu về dinh dưỡng thủy canh trên cây trồng nhưng chưa có nghiên cứu nào được thực hiện trên cây cúc lá nhám. Do đó, mục tiêu của nghiên cứu là tìm ra mức độ dinh dưỡng HO-1950 thích hợp cho sự sinh trưởng và ra hoa của cây cúc lá nhám thủy canh.
Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 58, Số 1B (2022): 148-155