Phát triển trí tuệ nhân tạo cần hướng tới những mục tiêu phù hợp
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, việc phát triển trí tuệ nhân tạo cần hướng tới những mục tiêu phù hợp, không quá kỳ vọng vào những điều cao siêu.
Phát biểu tại Hội thảo ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực hành chính công năm 2022, ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ (KH&CN) cho biết, trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, cả nước mới chỉ có khoảng 1.000 chuyên gia, các nguồn lực khác còn hạn chế. Trong bối cảnh đó, việc phát triển trí tuệ nhân tạo cần hướng tới những mục tiêu phù hợp, không quá kỳ vọng vào những điều cao siêu.
Thứ trưởng Bộ KH&CN thông tin, trong quá trình tham mưu và xây dựng chiến lược chương trình chuyển đổi số quốc gia trình Thủ tướng, các chuyên gia đến từ nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã ngồi lại để phân tích xu hướng của thế giới, thực tế của Việt Nam. Hiện tại, nền khoa học công nghệ nước ta chưa đạt ngưỡng luôn nắm giữ các thành tựu mới nhất, chưa đủ nguồn lực để xây dựng những hệ thống tính toán lớn.
"Cách đây 20-30 năm, Nhật Bản đã có những hệ thống tính toán siêu lớn để dự báo thời tiết, động đất, sóng thần. Chúng ta bây giờ mới nhen nhóm thực hiện. Cơ sở dữ liệu, nguồn chuyên gia về trí tuệ nhân tạo của nước ta cũng còn rất khiêm tốn", ông Bùi Thế Duy phân tích.
Trước thực trạng đó, lãnh đạo Bộ KH&CN nhấn mạnh, việc phát triển trí tuệ nhân tạo trong nước không đặt kỳ vọng phải dẫn đầu. Thay vào đó, lĩnh vực này cần hướng tới mục tiêu giải quyết vấn đề trước mắt của chính quyền, người dân. Cụ thể, các nhóm vấn đề chính mà trí tuệ nhân tạo cần hướng tới là các nhóm ứng dụng phục vụ nhu cầu hàng ngày của người dân, giúp người dân thực hiện thủ tục hành chính thuận lợi nhất, giải quyết nhu cầu hàng ngày về học tập, giải trí, đời sống. Trí tuệ nhân tạo cần giúp chính quyền thực hiện công tác quản lý trong hành chính, đô thị, tài nguyên môi trường.
Ngoài ra, công nghệ AI cần giúp Chính phủ đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Một trong những ví dụ rõ nét trong phần việc này là hệ thống camera giám sát giao thông, giám sát an ninh đã được triển khai. "Chúng ta chưa cần tới mục tiêu là AI thay thế nhân công lao động. Chúng ta cũng không đặt kỳ vọng quá cao siêu là AI thay thế con người, để dẫn đến lo lắng là mất việc", Thứ trưởng Bộ KH&CN nhấn mạnh.
Ông Bùi Thế Duy cũng cho biết, lĩnh vực trí tuệ nhân tạo trên thế giới hiện nay được chia làm 2 nhóm là rộng và hẹp. AI rộng là hướng tới phát triển các hệ thống tự động suy nghĩ, đưa ra giải pháp. Tuy nhiên, AI tại Việt Nam chưa tới giai đoạn cần quan tâm vấn đề này mà chỉ cần giải quyết các vấn đề mấu chốt là các loại việc lặp đi lặp lại trên diện rộng, thường xuyên.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho rằng, lĩnh vực trí tuệ nhân tạo cần hướng tới mục tiêu giải quyết vấn đề trước mắt của chính quyền, người dân. Ảnh: VNE
Giải pháp để AI đi vào cuộc sống
Ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM, cho rằng để AI đi vào cuộc sống, giúp chính quyền, người dân thuận lợi hơn trong các thủ tục hành chính, cần đáp ứng được mục tiêu tăng năng suất quản lý nhà nước, giảm bớt chi phí, tăng chất lượng phục vụ.... AI phải khiến người quản lý coi là công cụ hữu ích giúp giảm áp lực công việc, người dân hài lòng và thuận lợi hơn khi làm thủ tục. "Nếu không đạt được những mục tiêu này thì cán bộ và người dân sẽ không thiết tha khi ứng dụng công nghệ", ông Nhân nói.
Muốn thực hiện mục tiêu này, ông cho rằng, chính quyền địa phương cần tiếp cận doanh nghiệp, lắng nghe họ giới thiệu các giải pháp công nghệ và đặt hàng. Sau đó tổ chức trình diễn giải pháp, chào hàng cạnh tranh và chính quyền làm các thủ tục mua giải pháp phù hợp với nhu cầu.
Theo ông Nhân, cần ứng dụng công nghệ cho tất cả quận huyện ở TP HCM để mang tính thống nhất nhưng cũng theo đặc thù công việc từng sở ngành với các hoạt động chuyên môn khác nhau.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM Lâm Đình Thắng cho biết, năm 2022, TP.HCM quyết tâm thực hiện chuyển đổi số, thành lập ban chỉ đạo chuyển đổi số do chủ tịch UBND TP.HCM làm trưởng ban. Thành phố đã ra mắt một số nền tảng quan trọng để phục vụ người dân, doanh nghiệp và việc điều hành. Ví dụ hệ thống giám sát xử lý phản ảnh và kiến nghị của người dân thông qua tổng đài 1022, hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của thành phố. Kinh tế số TP.HCM năm 2022 chiếm khoảng 15,38% GDP so với chỉ tiêu đặt ra 15%.
"Hiện tổng thể chuyển đổi số của TP.HCM đang xếp hạng thứ 3/63 tỉnh, thành cả nước. Tuy nhiên còn rất nhiều việc phải làm so với yêu cầu đặt ra. Hai trong nhiều vấn đề hạn chế của TP.HCM trong chuyển đổi số là vấn đề về dữ liệu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo", ông Thắng cho biết.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho rằng việc ứng dụng AI trên địa bàn TP.HCM, đặc biệt trong khu vực hành chính công chưa có tính hệ thống, bài bản, đồng bộ. Từ đó, trọng tâm sắp tới thành phố sẽ đặt ở lĩnh vực hành chính công. Hiện sở đang phối hợp cùng HĐND thành phố xây dựng "thư ký ảo" phục vụ thẩm tra các tờ trình của HĐND nhằm rút ngắn thời gian thẩm tra và đạt hiệu quả thẩm tra cao hơn".
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức nói với vai trò thường trực, Sở Thông tin và Truyền thông phải đi đầu, là hạt nhân, đầu mối phối hợp cùng các sở, ban ngành để đẩy nhanh hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào việc đổi mới, đặc biệt là hành chính công. Theo ông Đức, qua hội thảo, Sở Thông tin và Truyền thông cùng Sở Khoa học và Công nghệ cần xác định, phân biệt rõ đặc điểm ứng dụng trí tuệ nhân tạo với công nghệ thông tin về thực chất như thế nào.
"Phải xác định rõ được điều này chúng ta mới thực sự đưa trí tuệ nhân tạo vào ứng dụng trong việc cải tiến, cải cách năng lực quản lý hành chính công, tránh tình trạng gắn mác AI lên nền tảng cũ", ông Đức nói.
Ngoài ra, ông cũng cho rằng hội thảo cần tập trung vào ba vấn đề. Thứ nhất, nguồn nhân lực. Đây được xem là vấn đề "vừa ngắn mà vừa dài", liên tục và phải luôn được thực hiện đồng nhất kể cả quy mô lẫn chất lượng. Thứ hai, Sở Thông tin và Truyền thông cần đưa ra những đề xuất cụ thể, chương trình triển khai mạnh mẽ nhằm xây dựng hạ tầng phần cứng, phần mềm dữ liệu.
Thứ ba, xuất phát từ thực tiễn phải liên tục nghiên cứu, nêu ra bài toán cốt lõi, quan trọng và mời gọi các doanh nghiệp, tổ chức, nhóm nghiên cứu ở trong và ngoài tham gia cùng thành phố để giải quyết bài toán một cách tốt nhất.
Phong Lâm