SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Bảo hộ giống thanh long LĐ1: Đảm bảo cân bằng lợi ích giữa các bên

[20/02/2023 08:54]

Các đơn vị xuất khẩu thanh long ruột đỏ LĐ1 sang Nhật Bản và Hàn Quốc phải nộp phí bản quyền cho công ty Hoàng Phát Fruit, còn tiêu thụ tại các thị trường khác sẽ được miễn phí trong vòng 5 năm, kể từ năm 2023.

Cục Trồng trọt tổ chức cuộc họp về giống thanh long ruột đỏ LĐ1. Nguồn: tphcm.chinhphu.vn

Đây là thông tin được đưa ra trong cuộc họp về giống thanh long ruột đỏ LĐ1 do Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) tổ chức vào ngày 16/2.

Những tranh cãi xoay quanh bản quyền giống thanh long ruột đỏ LĐ1 nảy sinh gần đây, khi Nhật Bản yêu cầu thanh long Việt Nam (bao gồm cả thanh long ruột trắng và ruột đỏ) xuất khẩu sang thị trường này phải có mã số vùng trồng và bản quyền giống. Trong đó, giống thanh long ruột đỏ duy nhất mà phía Nhật Bản chấp thuận là giống LĐ1 do Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit là chủ sở hữu. Do vậy, nhiều doanh nghiệp khác thu mua thanh long ruột đỏ của các hợp tác xã, hộ nông dân không có bản quyền giống đã bị “tắc đường” sang Nhật.

Giống thanh long LĐ1 do Viện Cây ăn quả miền Nam nghiên cứu chọn tạo, đăng ký bảo hộ và chuyển nhượng cho Công ty Hoàng Phát Fruit vào năm 2017 với giá 5 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, việc chuyển nhượng này hoàn toàn hợp lý và đảm bảo các quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, nhiều người trồng thanh long cho biết họ đã mua giống thanh long ruột đỏ LĐ1 của Viện Cây ăn quả miền Nam trước đó khoảng chục năm. Tại sao đến nay cây thanh long của họ lại không có bản quyền? Thực ra, lúc đó giống thanh long ruột đỏ LĐ1 vẫn đang trong quá trình sản xuất thử nghiệm. Để được công nhận là giống chính thức, giống LĐ1 phải được sản xuất thử trên diện tích tối thiểu là 50 ha, nên Viện Cây ăn quả miền Nam đã hợp tác với một số hộ dân để trồng thử nghiệm.

Do hạn chế về nguồn lực, Viện đã thu một phần kinh phí của người dân và không coi hoạt động này có tính thương mại. Hiện nay, Viện Cây ăn quả miền Nam vẫn còn lưu trữ số liệu cây giống đã chuyển cho nông dân trồng khảo nghiệm. Từ số cây giống thanh long ruột đỏ LĐ1 ban đầu, nhiều người đã tự nhân giống và mở rộng diện tích trồng, bán quả cho nhiều đơn vị xuất khẩu.

Việc sử dụng tràn lan giống thanh long ruột đỏ LĐ1 đã ảnh hưởng đến quyền lợi của Công ty Hoàng Phát Fruit. Tuy nhiên, nếu “siết chặt” vấn đề bản quyền, các hộ trồng thanh long cũng rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Do vậy, theo ông Nguyễn Như Cường, cuộc họp hôm nay nhằm tìm giải pháp hài hòa lợi ích giữa các bên, đặc biệt là đảm bảo quyền lợi cho các hộ nông dân đã tham gia trồng thử nghiệm giống thanh long ruột đỏ LĐ1 trước khi giống này được chuyển nhượng.

Sau nhiều tranh cãi trong cuộc họp, các bên thống nhất phương án thu phí bản quyền với thanh long ruột đỏ LĐ1 xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc - hai thị trường mà Hoàng Phát Fruit đã đăng ký bảo hộ giống. Mức phí đề xuất như sau: 30 đồng/kg với sản lượng xuất khẩu 5.000-15.000 tấn; 20 đồng/kg với 20.000-25.000 tấn; 10 đồng/kg nếu sản lượng lớn hơn 25.000 tấn. Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Giám đốc Công ty Hoàng Phát Fruit cho biết nếu tiêu thụ ở các thị trường khác ngoài Nhật Bản và Hàn Quốc, họ sẽ hỗ trợ bản quyền miễn phí trong vòng 5 năm (kể từ năm 2023). Đồng thời họ cũng sẵn sàng ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với những nơi trồng thanh long ruột đỏ LĐ1 đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu Nhật Bản và Hàn Quốc với giá cao hơn thị trường 20-30%.

Để các đơn vị xuất khẩu và người trồng thanh long yên tâm sản xuất, trong thời gian tới, Hoàng Phát Fruit sẽ gửi văn bản chính thức đến Bộ NN&PTNT và các cơ quan chức năng, trong đó đưa ra cam kết, mức thu phí và giải pháp bao tiêu cụ thể…

Hiện nay, hơn 90% trái thanh long của Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc. Vì vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, vấn đề bản quyền giống thanh long ruột đỏ LĐ1 sẽ không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động xuất khẩu thanh long của Việt Nam trong thời gian tới.

www.khoahocphattrien.vn (nhnhanh)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ