Sở hữu trí tuệ và AI: Câu hỏi còn bỏ ngỏ
Những tác phẩm hoặc sáng chế do các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) như ChatGPT tạo ra sẽ thuộc về ai? Đây là một câu hỏi không dễ trả lời.
Bức tranh Théâtre D’opéra Spatial do AI vẽ và đoạt giải thưởng đã làm dấy lên nhiều tranh cãi về vấn đề bản quyền. Nguồn: medium
Ngoài việc đưa ra những câu trả lời chính xác và lưu loát trong nhiều lĩnh vực, ChatGPT - một chatbot của công ty OpenAI (Hoa Kỳ) còn “gây bão” bởi khả năng tạo ra những bài viết gần giống tác giả con người. Nhiều người đã không tin nổi vào mắt mình khi thấy ChatGPT xuất hiện trong danh sách tác giả của các công bố quốc tế. Kể từ lúc xuất hiện từ tháng 11 năm ngoái đến nay, ChatGPT cũng đứng tên tác giả hoặc đồng tác giả của hơn 200 cuốn sách điện tử trong cửa hàng Kindle của Amazon.
“Cơn sốt” ChatGPT đã thúc đẩy cuộc chạy đua đầu tư AI của các hãng công nghệ, đồng thời đặt ra những câu hỏi về vấn đề đạo đức và pháp lý của AI, bao gồm quyền sở hữu trí tuệ. Thực ra, câu hỏi quyền sở hữu trí tuệ với AI đã phát sinh từ lâu: “Đây là một trong những vấn đề đặt ra trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Theo truyền thống, tài sản trí tuệ như sáng chế là giải pháp kỹ thuật sinh ra từ đầu óc sáng tạo của con người. Nhưng bây giờ con người tạo ra AI, rồi AI tạo ra một sản phẩm khác. Vậy cái đó thuộc về AI hay những người tạo ra AI? Liệu chúng ta có xác định đó là chủ thể của pháp luật để điều chỉnh hay không?”, ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) phân tích trong một hội thảo do Khoa Luật (ĐHQGHN) tổ chức vào năm 2021.
Một số người cho rằng không cần thiết phải bảo hộ các sản phẩm do AI tạo ra. Bởi vì mục đích của bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là nhằm bảo vệ lợi ích của các tác giả, khuyến khích hoạt động sáng tạo - các tác giả nhận được quyền và lợi ích xứng đáng với công sức, tiền bạc để tạo ra sản phẩm. Nhưng AI không có các nhu cầu như con người, do vậy, những quy định dựa trên nhu cầu của con người sẽ không phù hợp cho AI - kể cả có trao quyền tác giả cho AI hay không thì nó vẫn tiếp tục sáng tạo, bởi nó được lập trình để làm thế.
Tuy nhiên, việc xác định quyền sở hữu trí tuệ của các sản phẩm từ AI không chỉ là vấn đề học thuật. Nếu các tác phẩm do AI tạo ra không được bảo hộ, bất cứ ai cũng có thể dùng miễn phí. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến chiến lược đầu tư cho AI - các công ty sẽ không muốn bỏ ra hàng triệu USD phát triển các công cụ AI có thể tạo ra những tác phẩm có giá trị ứng dụng, song các tác phẩm này lại thuộc về công chúng.
Các quốc gia cũng đang bối rối trước những vấn đề mới phát sinh này. “Đây là một vấn đề còn rất nhiều tranh cãi”, ông Nguyễn Văn Bảy nhận xét. Do vậy, một số quốc gia phát triển như Vương quốc Anh cũng đã kêu gọi tham vấn ý kiến từ công chúng về bảo hộ sở hữu trí tuệ và AI. “Trong lần tham vấn thứ hai vào cuối năm 2021, Chính phủ Anh đã tập trung vào hai mảng quyền tác giả và sáng chế. Câu hỏi về sáng chế rất đơn giản, chúng ta có nên bảo hộ những sáng chế tạo ra bởi AI hay không? Nếu có thì chúng ta nên bảo hộ như thế nào?”, TS. Lê Vũ Vân Anh, Giảng viên Luật Sở hữu trí tuệ ở Đại học Oxford, viết trên blog cá nhân.
Tranh cãi về tính nguyên gốc
Từ trước đến nay, nhắc đến nhà sáng chế, người ta luôn nghĩ đến con người bởi khả năng sáng tạo vốn được coi là “độc quyền” của con người. Nhưng gần đây, nước Úc đã tạo ra một bước ngoặt lịch sử khi công nhận AI là tác giả sáng chế. Trong những năm gần đây, Stephen Thaler, một chuyên gia về AI đã nộp đơn đăng ký bảo hộ sáng chế bao gói thực phẩm ở nhiều quốc gia, điều đáng chú ý là tác giả sáng chế trên là một hệ thống AI có tên DABUS (do Stephen Thaler phát triển). Sáng chế này đáp ứng gần như mọi điều kiện bảo hộ, ngoại trừ việc tác giả không phải là con người, nên đã bị từ chối ở hầu hết các quốc gia. Tuy nhiên, Úc lại chấp thuận bảo hộ vì ba nguyên nhân: “Đầu tiên, một nhà phát minh (inventor) là một danh từ đại diện (agent noun – Inventor giống như từ computer để chỉ máy tính, xuất phát từ động từ compute: tính toán); một tác nhân như vậy có thể là một người hoặc một thứ có thể phát minh ra (cái gì đó). Thứ hai, việc công nhận như vậy phản ánh thực tế rằng, có nhiều phát minh có thể được cấp bằng sáng chế mà không thể lập luận rằng con người là nhà phát minh. Thứ ba, không có điều gì trong Đạo luật Sáng chế của Úc đưa ra kết luận ngược lại. Phán quyết của Úc được xem là một quyết định mang tính lịch sử”, TS. Lê Vũ Vân Anh phân tích.
Tương tự với quyền tác giả, hầu hết các quốc gia hiện nay không chấp thuận bảo hộ quyền tác giả cho các tác phẩm không phải do con người tạo ra. Chẳng hạn, Hoa Kỳ chỉ chấp nhận bảo hộ quyền tác giả cho một tác phẩm có tính nguyên gốc, được tạo ra bởi một con người. Quan điểm này dựa trên án lệ (như vụ Feist Publications kiện Rural Telephone Service Company năm 1991) rằng luật bản quyền chỉ bảo vệ “thành quả của lao động trí óc” và “được hình thành từ sức mạnh sáng tạo của trí óc”. Liên minh châu Âu cũng tuyên bố quyền tác giả chỉ áp dụng cho các tác phẩm có tính nguyên gốc và tính độc đáo “phản ánh sự sáng tạo trí tuệ của tác giả”. Như vậy, “tác phẩm có tính nguyên gốc phải phản ánh tính cách của tác giả, đồng nghĩa với việc tác giả phải là con người”, theo bài viết của TS. Andres Guadamuz, giảng viên Luật Sở hữu trí tuệ, Đại học Sussex (Anh) trên trang web của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO).
Hơn nữa, một trong những điều kiện tiên quyết mà các tác phẩm phải đáp ứng để được bảo hộ là tính nguyên gốc. Tức là tác phẩm đó phải được sáng tạo độc lập, không sao chép từ bất kỳ tác phẩm nào khác. Vậy những tác phẩm do AI tạo ra có tính nguyên gốc hay không, khi nó bắt nguồn từ quá trình học sâu của AI dựa trên những dữ liệu có sẵn?
Sự phát triển của công nghệ AI khiến việc xác định tính nguyên gốc của tác phẩm càng phức tạp. Chẳng hạn, nhiều người coi ChatGPT là công cụ hỗ trợ viết bài, con người vẫn là tác giả. Tuy nhiên, không ít trường hợp ChatGPT chiếm vai trò chủ đạo, tiêu biểu như trong một bài viết trên The Guardian gần đây, một nhà báo chuyên viết quảng cáo đã thử dùng ChatGPT để viết bài, chưa đầy một phút sau, nó đã hoàn thành một bài viết, dù còn một số lỗi song vẫn được khách hàng chấp nhận. “Nếu chúng ta dựa quá nhiều vào ChatGPT và chỉ đóng góp một phần rất nhỏ vào tác phẩm, liệu tác phẩm còn đáp ứng tính nguyên gốc để được bảo hộ quyền tác giả hay không?”, GS. Nguyễn Xuân Thảo, Giám đốc Trung tâm Luật châu Á, Trường Luật, Đại học Washington (Hoa Kỳ) đặt vấn đề trong hội thảo về ChatGPT do trường Đại học Luật (ĐHQGHN) tổ chức vào ngày 17/2 vừa qua.
Tuy nhiên, những quan điểm truyền thống về bản quyền đang dần “lung lay”. Năm ngoái, Canada đã bảo hộ quyền tác giả cho bức tranh Suryast (được tạo ra từ bộ cơ sở dữ liệu từ bức tranh Starry Night của Vincent Van Gogh) cho hai tác giả là Ankit Sahni và ứng dụng RAGHAV Painting App - một công cụ do Ankit Sahni tạo ra. Đây là lần đầu tiên Canada bảo hộ tác phẩm do AI tạo ra. Điều này không có gì khó hiểu khi Canada đang lên kế hoạch hiện đại hóa luật bản quyền nhằm thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực AI. Động thái này vấp phải sự phản đối của nhiều chuyên gia, họ cho rằng các tác phẩm do AI tạo ra không đáp ứng tính nguyên gốc, và việc bảo hộ bản quyền cho tác phẩm của AI “không phục vụ mục đích bảo hộ bản quyền [lợi ích công cộng - public interests] nào”.
Một xu hướng khác là trao quyền cho người tạo ra AI, gồm các nước như Ấn Độ, Ireland, New Zealand và Vương quốc Anh. Chẳng hạn Đạo luật Bản quyền, Kiểu dáng công nghiệp và sáng chế (CDPA) của Anh quy định: “Trong trường hợp một tác phẩm văn học, kịch, âm nhạc hoặc nghệ thuật do máy tính tạo ra, tác giả sẽ được coi là người thực hiện các sắp xếp cần thiết để tạo ra tác phẩm.” Tuy nhiên, quan điểm này lại đặt ra câu hỏi: ai sẽ được coi là người thực hiện các sắp xếp cần thiết để tạo ra tác phẩm? Liệu có nên ghi nhận đóng góp của người lập trình hay người sử dụng chương trình đó không?
Cuộc tranh luận về sở hữu trí tuệ và AI có lẽ còn rất lâu mới đi đến hồi kết. Nhưng nếu xét về khía cạnh đạo đức và pháp lý, một số chuyên gia cho rằng không nên bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của AI như con người. Đơn cử như sáng chế, “việc công nhận là nhà sáng chế sẽ đi kèm với các trách nhiệm pháp lý, thực thi và kiện tụng mà chỉ một con người mới có thể thực hiện được. Chẳng hạn như theo Đạo luật Sáng chế của Anh 1977, các nhà phát minh được quyền bồi thường từ người sử dụng lao động của họ trong một số trường hợp nhất định. Vì vậy, việc chấp nhận quyền phát minh của AI sẽ đi quá xa vào thời điểm này vì chúng ta sẽ không coi AI như một công cụ mà còn là những thể nhân hợp pháp và tự nhiên. Điều đó sẽ dẫn đến một sự thay đổi cực kỳ hệ trọng về khái niệm về con người và mối tương quan giữa công nghệ và xã hội. Điều đó sẽ tạo ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan về mặt đạo đức”, TS. Lê Vũ Vân Anh nhận định.
www.khoahocphattrien.vn (nhnhanh)