Những công nghệ khiến đường sá trở nên thông minh hơn
Tờ CNN (Mỹ) đã liệt kê những công nghệ mới có thể áp dụng trong tương lai cho đường sá thông minh.
Cơ sở hạ tầng trí tuệ nhân tạo (AI)
AI đang ngày càng “hòa nhập” vào cuộc sống thường nhật của con người. Đối với các thành phố, AI đang đóng vai trò quan trọng với công nghệ thời gian thực giúp thông báo các biện pháp và hiệu quả an toàn đô thị với phần lớn dữ liệu khai thác từ chính các con đường.
CEO của công ty có trụ sở tại Mỹ Hayden AI - Chris Carson nói: “Chúng tôi nhận thấy tiềm năng lớn để AI cải thiện dịch vụ và chất lượng cuộc sống của người dân sống, làm việc và vui chơi trong thành phố”. Phần mềm dựa trên AI của Hayden AI thu thập và phân tích siêu dữ liệu từ đường phố. Vào năm 2022, phần mềm được sử dụng hợp tác với cơ quan quản lý giao thông New York để phát hiện lỗi đỗ xe trái phép trên làn đường xe buýt.
Ông Carson bổ sung rằng các cảm biến AI trong thành phố còn ghi lại mọi thứ từ tốc độ của phương tiện, lưu lượng xe. Các cảm biến có thể phân tích và tối ưu hóa luồng giao thông, giảm tắc nghẽn, hạn chế tai nạn trong thời gian thực. Ông Carson kết luận: “Công nghệ này cuối cùng sẽ cách mạng hóa cách các nhà quy hoạch và lãnh đạo công nghệ xây dựng thành phố thông minh trong tương lai”.
Giáo sư Carlo Ratti tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) trong khi đó cảnh báo rằng các thành kiến cố hữu và thiếu minh bạch của AI có thể dẫn đến phản tác dụng với lợi ích của người dân. Nhưng ông cũng thừa nhận dòng dữ liệu chưa từng có tiền lệ sẽ giúp cung cấp cho chính phủ cách nâng cao cuộc sống thành thị.
Trong tương lai, nhiều con đường thông minh sẽ được xây dựng.
Đường sạc điện
Đến năm 2050, một nửa xe ô tô trên đường phố sẽ hoạt động bằng điện. Việc chuyển từ nhiên liệu sang điện đồng nghĩa với nhu cầu cơ sở hạ tầng sạc điện tăng cao.
Công ty khởi nghiệp Đức Magment là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực sạc điện không dây, phát triển các miếng đệm truyền năng lượng làm từ vật liệu tái chế gắn vào bề mặt đường. Những làn đường này về mặt lý thuyết sẽ cho phép các phương tiện điện sạc khi chúng di chuyển. Việc triển khai công nghệ này có thể giúp xoa dịu lo ngại của người lái xe điện về những chuyến đi đường dài.
Ngoài việc sạc khi lái xe, áp suất bề mặt của ô tô cũng có thể đóng vai trò là nguồn năng lượng tái tạo. Ông Marco Krieziu, giám đốc thương mại của công ty Italy 20energy cho biết sản phẩm của họ mang tên LYBRA “phục hồi động năng và nhiệt từ các phương tiện di chuyển qua bề mặt của thiết bị này và chuyển đổi thành điện năng có thể tự tiêu thụ tại chỗ hoặc đưa trở lại lưới điện”. Giáo sư Ratti cảnh báo rằng sự tiện lợi của những công nghệ này sẽ đi kèm với chi phí lớn.
Vỉa hè chống nắng
Công nghệ đường sá thông minh của tương lai cũng sẽ phải chống lại tác động của biến đổi khí hậu với các khu vực đô thị đặc biệt dễ bị tổn thương. Nhiệt bị giữ lại giữa các tòa nhà và trở nên trầm trọng hơn do ô nhiễm, tạo ra cái gọi là hiện tượng đảo nhiệt đô thị.
Chính quyền Phoenix, Arizona (Mỹ) đang phát triển công nghệ để chống lại điều này. Chương trình thí điểm Vỉa hè Mát mẻ là cách để đối phó với gia tăng nhiệt độ tại một trong những môi trường đô thị nóng nhất ở Mỹ.
Trong chương trình có quá trình phun nhựa tráng đường gốc nước lên các vỉa hè. Đại diện cơ quan vận tải đường bộ Phoenix – ông Heather Murphy lý giải: “Nó đóng vai trò như ‘kem chống nắng’ bảo vệ đường khi phản xạ thay vì thu nhiệt”.
Thành phố Phoenix khẳng định dự án đã giúp giảm nhiệt độ trên bề mặt vỉa hè. Nhưng ông Ratti lại ngờ vực và cho rằng ở những thành phố nhiều nắng như Phoenix, việc phản chiếu ánh nắng có thể khiến người lái xe bị chói từ đó dẫn đến tai nạn giao thông.
Đường "ghép hình"
Đường ghép hình được thiết kế để nhanh chóng tách rời hoặc nối lại như các mảnh hình ghép. Loại đường này tạo điều kiện để các thành phố thích ứng nhanh chóng với nhu cầu xây dựng, tình trạng khẩn cấp. Chúng đã được sử dụng trên làn đường dành cho xe đạp và người đi bộ tại Bỉ cùng Hà Lan do công ty PlasticRoad sản xuất.
Khác với đường truyền thống dẫn nước mưa vào các cống, các khối đường bằng nhựa tái chế của công ty Hà Lan PlasticRoad có ống rỗng bên trong để trữ nước hoặc truyền nước trực tiếp xuống đất. Các ống này cũng có thể giữ đường ống, cáp điện thoại và dây diện.