SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý của Việt Nam tại thị trường nước ngoài trọng điểm

[10/04/2023 10:25]

Việc phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý (CDĐL) cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và các chủ thể liên quan trong việc sử dụng nhãn hiệu và CDĐL, gia tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu, đặc biệt là nông sản và đặc sản các vùng miền ở nước ngoài.

Cuộc họp Tổ công tác triển khai Kế hoạch phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và CDĐL cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ra nước ngoài

Ngày 24/3/2023, tại Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) đã diễn ra cuộc họp Tổ công tác triển khai Kế hoạch phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và CDĐL cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ra nước ngoài nhằm triển khai Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 06/5/2021 của Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2021.

Ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục SHTT, Bộ KH&CN cho biết, triển khai Kế hoạch trên, trong thời gian qua, Cục SHTT đã tổ chức hội thảo “Những giải pháp thúc đẩy bảo hộ nhãn hiệu, CDĐL của Việt Nam tại một số thị trường xuất khẩu trọng điểm” tại tỉnh Sơn La và Tiền Giang; tổ chức 2 lớp tập huấn trong khuôn khổ Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội nhằm lồng ghép nội dung hướng dẫn đăng ký nhãn hiệu ra nước ngoài thông qua Hệ thống Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu.

Ngoài ra, trong khuôn khổ Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ, Cục SHTT đã triển khai các hoạt động tư vấn về SHTT, khảo sát thực địa đối với các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu theo đề xuất của các địa phương; hỗ trợ các địa phương xây dựng kế hoạch, đánh giá tiềm năng và điều kiện bảo hộ ra nước ngoài cho các sản phẩm chủ lực của các tỉnh Lạng Sơn, Đồng Tháp, Quảng Nam, Lào Cai, Gia Lai; tìm kiếm chuyên gia, đặt hàng nghiên cứu các quy định pháp luật về hồ sơ đăng ký chủ trì, thực tiễn thẩm định đăng ký CDĐL, nhãn hiệu của một số cơ quan SHTT như Trung Quốc, Nhật Bản, Úc, EU, Mỹ…

Ông Tạ Mạnh Cường, Trưởng phòng Phát triển năng lực xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, Cục đã tham mưu và trình Lãnh đạo Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1973/QĐ-BCT ngày 29/9/2022 về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai Kế hoạch 3926/KH-BKHCN-BCT-BNNPTNT nêu trên; xây dựng và làm 8 sản phẩm video clip của 03 ngành hàng (hạt tiêu, hạt điều, dừa) và 5 sản phẩm CDĐL (trà Tân Cương và trà Mộc Châu, xoài Yên Châu, quả vải Thanh Hà và quả vải Lục Ngạn, thanh long Bình Thuận, cà phê tại một số tỉnh: Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên; xây dựng nội dung và làm 8 sản phẩm Flip cho 08 sản phẩm ngành hàng và sản phẩm mang CDĐL trong khuôn khổ nội dung “Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá các thương hiệu ngành hàng các sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và CDĐL”. Các tài liệu này sẽ được sử dụng trong các hoạt động tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến thương mại.

Ông Triệu Thành Nam, Phó trưởng phòng, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, trong thời gian gian, Cục đã tham mưu và trình Lãnh đạo Bộ NN&PTNT ban hành Quyết định số 4782/QĐ-BNN-CBTTNS ngày 12/12/2022 về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai Kế hoạch phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và CDĐL cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2022-2025. Cục đã tổ chức Hội thảo và sự kiện kết nối doanh nghiệp với chủ đề  “Xây dựng và Bảo hộ nhãn hiệu nhằm phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam”; phối hợp với Tổ chức Oxfam tổ chức lớp tập huấn tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh với chủ đề “Hướng dẫn, phổ biến quy trình, thủ tục đăng ký bảo hộ, quản trị và phát triển nhãn hiệu CDĐL cho các sản phẩm nông sản chủ lực của Việt Nam tại thị trường EU”.

Để có những hoạt động hỗ trợ hiệu quả và tập trung nguồn lực, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đặc biệt nhấn mạnh cần khảo sát một cách kỹ lưỡng và xác định các sản phẩm có thế mạnh nhất của địa phương, nguồn cung ổn định để thực hiện hỗ trợ thí điểm đăng ký bảo hộ ở nước ngoài.

Tại cuộc họp, các cơ quan đầu mối của ba Bộ đã cùng trao đổi, thảo luận về kế hoạch và phương hướng triển khai trong năm 2023. Theo đó, các cơ quan đầu mối của ba Bộ sẽ rà soát, xây dựng danh mục các hoạt động cần thực hiện chung để tập trung nguồn lực, tạo điều kiện cho các chủ thể có liên quan được tham gia một cách thuận lợi, hiệu quả. Tăng cường trao đổi, chia sẻ và sử dụng hiệu quả các tài liệu, thông tin tuyên truyền đã có để thực hiện công tác truyền thông tại các sự kiện ngoại giao, kinh tế và trên các phương tiện, kênh truyền thông trong và ngoài nước thông qua hệ thống cơ quan đại diện ở nước ngoài, hiệp hội ngành nghề, cơ quan, tổ chức có liên quan của ba Bộ.

Bên cạnh đó, cơ quan đầu mối của ba Bộ chủ động xây dựng cơ sở dữ liệu về cán bộ chuyên trách và các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài để thiết lập mạng lưới đại diện nhằm triển khai việc cung cấp thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp về các vấn đề liên quan đến SHTT ở nước ngoài. Lồng ghép các nội dung về SHTT vào các chương trình tập huấn cho các đại diện KH&CN, tham tán nông nghiệp và thương vụ của Việt Nam ở các nước. Sớm thiết lập kênh thông tin dành cho doanh nghiệp, trong đó tích hợp cơ sở dữ liệu về thị trường, quy định pháp luật có liên quan, đầu mối các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài có liên quan đến hỗ trợ, cảnh báo các vấn đề về SHTT và thị trường nước ngoài. Lựa chọn để thực hiện thí điểm hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu, CDĐL ở nước ngoài cho một số sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam.

Ngày 19/7/2022, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã ban hành Quyết định số 1289/QĐ-BKHCN thành lập Tổ công tác triển khai Kế hoạch hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và CDĐL cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ra nước ngoài (Tổ công tác), Tổ công tác do Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang làm Tổ trưởng. Thành viên là lãnh đạo và cán bộ của các cơ quan liên quan của ba Bộ. Ngày 30/8/2022, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang đã chủ trì cuộc họp lần thứ nhất của Tổ công tác, thống nhất về cơ chế phối hợp và nguyên tắc hoạt động của Tổ. Tổ công tác sẽ lựa chọn ưu tiên triển khai các hoạt động khả thi, phù hợp với tiềm lực hiện tại của Tổ công tác và các cơ quan đầu mối.

Trong thời gian qua, các cơ quan đầu mối của ba Bộ đã tận dụng các nguồn lực để triển khai những hoạt động chung theo Kế hoạch 3926/KH-BKHCN-BCT-BNNPTNT ngày 31/12/2021. Trong năm 2022, triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến dưới hình thức hội thảo, tập huấn và xây dựng tài liệu tuyên truyền, quảng bá. Những hoạt động này bước đầu đã đưa được những thông tin cơ bản, cần thiết nhất tới các nhóm chủ thể là các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội ngành nghề và doanh nghiệp ở các địa phương quan tâm đến xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài và nhận diện những bất cập để các cơ quan quản lý và các chủ thể quyền cùng nghiên cứu, đề xuất giải pháp.

https://ipvietnam.gov.vn (nhnhanh)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ