Thúc đẩy thương mại hóa tài sản trí tuệ giữa trường đại học - viện nghiên cứu - doanh nghiệp
Trong khuôn khổ chuỗi sự kiện thuộc Triển lãm “Tài sản trí tuệ và kết quả đổi mới sáng tạo của nữ trí thức Việt Nam” hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 2023, tổ chức tại Hà Nội từ ngày 21-22/4/2023, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Hội Nữ trí thức Việt Nam và các đơn vị liên quan đã tổ chức Tọa đàm “Một số vấn đề về sở hữu trí tuệ trong hợp tác trường đại học - viện nghiên cứu - doanh nghiệp”.
Ảnh: TS. Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ phát biểu dẫn đề tại Tọa đàm
Phát biểu khai mạc, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Trần Lê Hồng cho biết, tại Việt Nam, khoa học và công nghệ là một trong 8 lĩnh vực của mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Phụ nữ ngày càng có những đóng góp lớn lao trong công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, khoảng cách giới trong nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và đặc biệt trong đó là việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn là vấn đề của cả Việt Nam cũng như các nước trên thế giới.
Chính vì vậy, việc tạo điều kiện, hỗ trợ giới nữ tiếp cận được các nguồn thông tin, gắn kết hoạt động nghiên cứu với sản xuất kinh doanh thông qua mối quan hệ giữa viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp gắn với việc bảo hộ, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là hết sức cần thiết.
Tại buổi Tọa đàm các chuyên gia của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và Cục Sở hữu trí tuệ đã trình bày những nội dung về mối liên kết giữa trường, viện và doanh nghiệp cũng như các hoạt động hỗ trợ của các đơn vị trung gian nhằm kết nối, chia sẻ thông tin và thiết lập mối quan hệ cùng có lợi, một số vấn đề cần lưu ý về sở hữu trí tuệ trong hoạt động hợp tác này. Theo đó, các bên cần xác định mục tiêu đạt được của sự hợp tác, quyền sở hữu trí tuệ được tạo ra từ việc hợp tác, việc thực thi và xử lý những tình huống phát sinh, các chủ thể liên quan, đặc biệt là các nhà khoa học cần trang bị kiến thức cơ bản và tìm đến tư vấn chuyên nghiệp; đảm bảo ký kết thỏa thuận bảo mật (trước, trong và sau hợp tác)...
Về thực tiễn tại Việt Nam, đại diện Trung tâm Ứng dụng Khoa học công nghệ và Khởi nghiệp, Hội Nữ trí thức Việt Nam đã chia sẻ một số kinh nghiệm hỗ trợ kết nối các nữ khoa học với các doanh nghiệp thương mại hóa tài sản trí tuệ và đã nhận được một số thành công. Tuy nhiên, vẫn có nhiều thách thức khi kết nối các nữ khoa học với các doanh nghiệp thương mại hóa tài sản trí tuệ bởi hầu hết việc nghiên cứu mới dừng lại ở kết quả trong phòng thí nghiệm, khó phát triển thị trường các sản phẩm khoa học và công nghệ...
Trong phần thảo luận, các chuyên gia, các nữ khoa học và doanh nghiệp đã cùng chia sẻ và thảo luận hết sức sôi nổi về những thách thức, khó khăn cũng như đề xuất các giải pháp hỗ trợ như nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, tăng cường các hoạt động liên kết, phát triển mạng lưới và xúc tiến thương mại hóa, phát triển thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời, các bên cần được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi; tăng cường năng lực cho các đơn vị hỗ trợ phụ nữ đổi mới sáng tạo.
Tọa đàm đã thành công tốt đẹp, đem lại nhiều thông tin bổ ích và là cơ hội để kết nối các nhà quản lý, nhà khoa học và các doanh nghiệp, đặc biệt là cho các nhà khoa học và doanh nghiệp nữ thể hiện vai trò và tiềm năng to lớn, mạnh mẽ của mình đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội./.
Ảnh: Chuyên gia WIPO và các đại biểu quốc tế tham dự Triển lãm chụp ảnh lưu niệm cùng các nữ trí thức Việt Nam
https://ipvietnam.gov.vn (nhnhanh)