Bảo vệ bản quyền trên môi trường số: Giữa những ma trận
Làm thế nào để truy vết những đối tượng xâm phạm bản quyền có khả năng “thoắt ẩn thoắt hiện” trên môi trường số là bài toán đầy thách thức với các nhà quản lý hiện nay.
Chẳng cần xem phim, không ít người vẫn biết đến loạt phim hoạt hình nổi tiếng về sói Wolfoo và lợn Peppa trong thời gian gần đây. Nguyên nhân là do vụ kiện đình đám của hai công ty đứng sau các bộ phim này: tháng 8/2022, Công ty Sconnect (Việt Nam), chủ sở hữu phim hoạt hình sói Wolfoo đã khởi kiện Công ty Entertainment One UK Limited và Astley Baker Davies Limited (gọi tắt là EO, có trụ sở tại Anh) lên Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội. Sconnect tố cáo EO sử dụng trái phép nhãn hiệu Wolfoo trong các phim hoạt hình về lợn Peppa, xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh phim hoạt hình, tác phẩm mỹ thuật ứng dụng Wolfoo. Đây là điểm đến mới nhất trong hành trình theo đuổi bản quyền của hai bên: trước khi bị Sconnect đâm đơn kiện tại Việt Nam, EO đã khởi kiện công ty này tại Nga và Anh.
Những vụ kiện liên quan đến xâm phạm bản quyền ở Việt Nam không nhiều, đặc biệt có bên khởi kiện là Việt Nam, bị đơn là công ty nước ngoài (thông thường ngược lại) và mang tính chất liên lục địa như vậy. Điều này có vẻ trái ngược với thực tế đã được đề cập trong bài trước, tình trạng xâm phạm bản quyền trên môi trường số lẫn truyền thống tại Việt Nam đều ở mức cao. Cụ thể, theo thống kê của TAND tối cao từ ngày 1/7/2006 (thời điểm Luật SHTT có hiệu lực thi hành) cho đến ngày 22/6/2009, toàn ngành Tòa án chỉ thụ lý được 108 vụ án tranh chấp về quyền SHTT, trong đó bao gồm cả xâm phạm bản quyền.
Kết quả thực thi khiêm tốn có phải do chúng ta thiếu các biện pháp xử lý? Hoàn toàn không phải vậy. “Về khung pháp lý, pháp luật của Việt Nam đã quy định đầy đủ các biện pháp giúp chủ thể quyền bảo vệ quyền tác giả của mình”, luật sư Lê Quang Vinh ở Công ty Sở hữu trí tuệ Bross và Cộng sự nhận xét trong một hội thảo vào cuối năm 2022. “Họ có thể sử dụng biện pháp hành chính, dân sự, hình sự hoặc tự bảo vệ bằng biện pháp công nghệ trên môi trường số”. Trong đó, đặc trưng của biện pháp hành chính là đơn giản, nhanh chóng song mức xử phạt nhẹ, chủ sở hữu không thể đòi bồi thường thiệt hại (do tiền thu từ xử phạt hành chính phải nộp về ngân sách nhà nước). Với biện pháp dân sự, chủ thể quyền có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo vệ bằng chứng và ngăn ngừa thiệt hại, đồng thời có thể đòi được tiền bồi thường. Tuy nhiên, biện pháp này khá phức tạp, tốn kém về thời gian cũng như chi phí. Hình sự là biện pháp nặng nhất song cũng phức tạp nhất, vụ án hình sự đầu tiên và duy nhất trong lĩnh vực quyền tác giả ở Việt Nam đến nay có lẽ là vụ khởi tố trang web phimmoi.net.
Ngoài việc trang bị các biện pháp công nghệ, các chủ thể sáng tạo Việt Nam cần phải tìm hiểu và cập nhật các kiến thức liên quan đến bản quyền. Điều này đặc biệt quan trọng đối với bản quyền trong không gian số, vốn không biên giới nên rất dễ dẫn đến những tranh chấp quốc tế.
Khó thu thập chứng cứ vi phạm
Quá trình phát hiện ra đối tượng xâm phạm bản quyền cho đến khi áp dụng thành công biện pháp trừng phạt luôn là một quãng đường dài. Chẳng hạn như trường hợp của Công ty Văn hóa sáng tạo Trí Việt - First News, trong giai đoạn 2011-2014, họ liên tục kiện cơ sở gia công sau in Huy Thi (Hà Nội) vì đã in lậu nhiều đầu sách nổi tiếng của họ. Cơ quan chức năng đã khám xét và thu giữ gần 10.000 cuốn sách lậu tại cơ sở này, nhưng kết quả là Trí Việt - First News vẫn bị thua kiện. Nhiều người bất ngờ khi thấy bằng chứng rõ ràng mà phần thắng lại nghiêng về kẻ vi phạm. “Trong trường hợp của Trí Việt - First News, do cơ sở vi phạm phủ định mình là chủ, họ cho rằng mình chỉ là cơ sở gia công nhận đơn hàng qua điện thoại, bây giờ không biết chủ đơn hàng là ai. Một khi cơ quan điều tra chưa xác định được ai là chủ thì chưa thể luận tội được. Thứ hai là lô hàng trên mới chỉ ở dạng gia công, chưa được đưa ra thị trường nên rất khó xác định được thiệt hại về mặt thương mại”, luật sư Lê Quang Vinh giải thích. “Như vậy, quá trình xử lý những đối tượng vi phạm bản quyền rất gian nan chứ không hề đơn giản”.
Trên môi trường số, con đường trở nên gập ghềnh hơn rất nhiều, ngay từ những bước đầu tiên như lập vi bằng. Thông thường, nếu một người phát hiện ra có đối tượng đang thực hiện các hành vi xâm phạm quyền đối với tác phẩm của mình, chẳng hạn như sao chép, phân phối ngoài thị trường mà không xin phép, bước đầu tiên họ cần làm là thu thập các tài liệu, chứng cứ cần thiết và nộp đơn yêu cầu xử lý lên các cơ quan có thẩm quyền (bao gồm tòa án, thanh tra, quản lý thị trường, hải quan, công an, ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ). Các tài liệu này sẽ dùng để lập vi bằng, làm căn cứ để giải quyết tranh chấp, yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm hoặc bồi thường thiệt hại... Tính linh hoạt của internet khiến việc thu thập chứng cứ trở thành một bài toán khó. “Quá trình lập vi bằng rất tốn kém thời gian và nguồn lực, đặc biệt là trên môi trường số, các bên vi phạm có thể nhanh chóng xóa dấu vết và lẩn trốn”, ông Hoàng Đình Chung, Giám đốc Trung tâm Bản quyền số (Hội Truyền thông số Việt Nam) phát biểu trong diễn đàn bản quyền số vào ngày 25/4 vừa qua.
Xâm phạm bản quyền trên môi trường số sẽ phức tạp hơn do tính linh hoạt và không biên giới. Ảnh: Hai loạt phim hoạt hình của Công ty Sconnect (Việt Nam) và EO (Anh) đang vướng tranh chấp bản quyền. Nguồn: Vietnam Brief
Chẳng hạn để khởi tố hình sự trang web phim lậu nổi tiếng Phimmoi.net vào năm 2021, Văn phòng Luật Phan Law phải thu thập chứng cứ từ năm 2014 dưới sự ủy quyền từ các bên sở hữu quyền phân phối phim như VSTV(K+), Canal+, BHD. Đến năm năm sau, họ mới hoàn thiện và gửi toàn bộ tài liệu chứng cứ vi phạm của Phimmoi.net, đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc. Đã hai năm trôi qua kể từ khi có quyết định khởi tố, nhưng Phimmoi.net vẫn tồn tại. “Chúng tôi sử dụng đủ kiểu ngăn chặn tấn công, thậm chí Cục Điều tra Liên bang Mỹ FBI, ICANN (tập đoàn internet cấp số và tên miền - tổ chức quản lí tất cả các loại tên miền trên thế giới) và nhiều tổ chức quốc tế khác cũng vào cuộc, nhưng Phimmoi.net vẫn ‘lẩn trốn’ rất nhanh, dù khi họ đổi tên miền mới, gần như tất cả mọi người đều biết”, luật sư Phan Vũ Tuấn, trưởng Văn phòng Luật Phan Law cho biết trong một hội thảo năm 2022.
Ngoài thay đổi tên miền thường xuyên, các đối tượng xâm phạm còn ứng dụng nhiều kỹ thuật “lẩn trốn” khác như đường dẫn gián tiếp (redirect), thay đổi máy chủ hoặc sử dụng máy chủ ảo có cơ chế thay đổi địa chỉ IP (cloudflare), chặn IP truy cập đối với quốc gia Việt Nam để tránh sự theo dõi của các cơ quan chức năng. “Do vậy, nhiều đối tượng tại Việt Nam đã từng bị cơ quan chức năng xử lý vi phạm hành chính liên quan đến hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng và quyền sở hữu trí tuệ nói chung vẫn có xu hướng tái phạm trên các website, ứng dụng di động tại thị trường quốc tế nhưng chủ động chặn IP truy cập từ người dùng Việt Nam”, Thiếu tá Lê Hồng Giang ở Phòng PA03, Công an TP. Hà Nội cho biết.
Một trong những yếu tố quan trọng nhất để hạn chế được xâm phạm trên môi trường số là truy dấu (tracking) được hành vi xâm phạm. Hiểu một cách đơn giản là “phải tìm ra hành vi xâm phạm bắt nguồn từ đâu thì tắt ở đó. Để làm được điều đó thì chúng ta phải cá nhân hóa bất cứ nội dung nào đưa lên internet, như chúng tôi đang dùng công nghệ finger printing chống việc đăng tải trái phép các trận bóng đá. Khi các bạn xem bóng đá sẽ thấy có dòng chữ nhỏ chạy trên màn hình, giúp chúng tôi truy vết nếu có người quay lén”, luật sư Phan Vũ Tuấn chia sẻ.
Tuy nhiên, những công nghệ bảo vệ bản quyền như trên đang bị bỏ lại đằng sau trong cuộc đua với mánh lới xâm phạm. “Mỗi lần chúng ta chế ra một giải pháp gì đó chống xâm phạm thì ngay lập tức, họ sẽ chế ra một thứ ngược lại”, luật sư Phan Vũ Tuấn nói. “Để chống lại công nghệ finger printing, những người xâm phạm lại áp dụng công nghệ AI để nhận diện kí tự và che khuất dòng chữ đó. Hoặc khi chúng tôi áp dụng công nghệ so sánh các màn hình với nhau để phát hiện ra đối tượng xâm phạm, họ tìm cách cắt bớt màn hình lại, hoặc chèn hình vào để bớt giống, nhưng chúng tôi vẫn so được. Vậy nên họ tìm cách lật ngược hình từ trái qua phải, và chế ra một cái hộp có gương để xem qua đó cho xuôi lại”.
Yếu thế khi bước ra thị trường quốc tế
Để tìm lối thoát giữa muôn vàn rào cản trong bảo vệ bản quyền, song song với hoạt động của các cơ quan chức năng, nhiều cá nhân, tổ chức cũng chủ động tìm biện pháp để tự bảo vệ mình. Họ có thể sử dụng giải pháp có sẵn ở các nền tảng như công nghệ Content ID của YouTube, công nghệ Right Manager của Facebook,... hoặc phát triển công nghệ Finger Printing (công nghệ vân tay) để quản lý, kiểm soát nội dung. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ khả năng tiếp cận các biện pháp này. “Các nhà sản xuất phải chi trả rất nhiều tiền để sở hữu, hoặc chỉ để thuê công nghệ bảo vệ nội dung. Do vậy, các biện pháp này dù đã phổ biến và được nhiều nhà sản xuất nội dung biết đến nhưng xét về áp dụng thực tế thì vẫn còn mang tính thiểu số”, theo Phan Law.
Để tạo điều kiện tiếp cận các biện pháp bảo vệ bản quyền dễ dàng hơn, gần đây một số tổ chức hiệp hội liên quan đến bản quyền ở Việt Nam đã cho ra mắt một số nền tảng mới. Tiêu biểu như giải pháp Vietcopyright.com của Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam và hệ thống trục bản quyền số của Hội Truyền thông số Việt Nam. Nhìn chung, khi tham gia các nền tảng này, các thành viên sẽ được hỗ trợ phân phối và kiểm soát, phát hiện các hành vi xâm phạm bản quyền. “Các tác giả có thể lên trên nền tảng này để chia sẻ tác phẩm của mình trên các không gian số. Đồng thời, thông qua nền tảng này, chúng tôi sẽ cung cấp những tài khoản để cơ quan quản lý nhà nước như Cục bản quyền tác giả, Phòng PA03 vào giám sát khi có những giao dịch mua bán trên này, giúp quản lý bản quyền tốt hơn”, ông Đào Ngọc Dũng ở Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam cho biết.
Ngoài việc trang bị các biện pháp công nghệ, nhiều chuyên gia cho rằng các chủ thể sáng tạo Việt Nam cần phải tìm hiểu và cập nhật các kiến thức liên quan đến bản quyền. Điều này đặc biệt quan trọng đối với bản quyền trong không gian số, vốn không biên giới nên rất dễ dẫn đến những tranh chấp quốc tế. Tiêu biểu như trường hợp của Sconnect, bản thân họ cũng nhận thấy mình có thể tránh được tranh chấp nếu hiểu biết đầy đủ về bản quyền: “Giai đoạn đầu chúng tôi chưa quan tâm nhiều đến các vấn đề về bản quyền, dẫn đến hệ lụy sau này chúng tôi phải đối mặt với một đối thủ rất mạnh. Chúng tôi cũng thiếu hiểu biết về quy trình xử lý xâm phạm bản quyền, nhất là khi mỗi quốc gia lại có cách xử lý khác nhau. Và khó khăn hơn nữa chúng tôi chưa có nguồn lực cho các hoạt động này”, ông Tạ Mạnh Hoàng, Tổng Giám đốc Sconnect Việt Nam nói.
www.khoahocphattrien.vn (nhnhanh)