Suy giảm chức năng thể chất và mối liên quan với hội chứng dễ bị tổn thương ở bệnh nhân loãng xương cao tuổi
Mục tiêu của nghiên cứu nhằm đánh giá tình trạng suy giảm chức năng thể chất và mối liên quan với hội chứng dễ bị tổn thương ở bệnh nhân loãng xương cao tuổi.
Nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 392 người bệnh loãng xương trong thời gian từ tháng 8 năm 2021 đến tháng 8 năm 2022 tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương. Tình trạng suy giảm chức năng thể chất được đánh giá bằng các hoạt động sinh hoạt hàng ngày (ADL) và các hoạt động chức năng hàng ngày có sử dụng dụng cụ (IADL). Kết quả nghiên cứu cho thấy tuổi trung bình là 73,15 ± 6,57. Tỷ lệ hội chứng dễ bị tổn thương chiếm 23,7%. Số bệnh nhân có suy giảm chức năng hoạt động hàng ngày theo ADL chiếm 23,2%, trong đó suy giảm về hoạt động đi lại hay gặp nhất (26,3%). Theo IADL, số bệnh nhân có suy giảm chức năng là 30,6%, trong đó suy giảm về hoạt động tự nấu ăn chiếm tỷ lệ cao nhất (32,7%). Có mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa suy giảm chức năng thể chất và hội chứng dễ bị tổn thương với p < 0,001, trong đó đối tượng nghiên cứu có suy giảm chức năng thể chất theo ADL và IADL có hội chứng dễ bị tổn thương cao hơn so với nhóm bệnh nhân có chức năng thể chất bình thường. Kết quả của chúng tôi đã cung cấp thêm bằng chứng cho thấy cần sàng lọc tình trạng suy giảm chức năng thể chất và hội chứng dễ bị tổn thương trên bệnh nhân loãng xương cao tuổi.
Tạp chí Nghiên cứu Y học – Số 4, 2023, ĐH Y Hà Nội