Đánh giá sự hiện diện vi nhựa có trong nước thải sinh hoạt tỉnh Bình Dương
Nghiên cứu thực hiện đánh giá sự hiện diện của vi nhựa trong nước thải sinh hoạt (NTSH) và bùn thải do nhóm nghiên cứu Trường Đại học Thủ Dầu Một và Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn thực hiện.
Lượng tiêu thụ nhựa hàng năm trên thế giới đang gia tăng liên tục kể từ năm 1950 và khoảng 311 triệu tấn vào năm 2014. Nhựa bao gồm hơn 20 dòng polymer, trong đó có 6 dòng: polypropylene (PP), polyethylene có mật độ cao và thấp (HDPE & LDPE), polyvinyl chloride (PVC), polyurethane (PUR), polyethylene terephthalate (PET) và polystyrene (PS) chiếm 80% lượng nhựa sản xuất tại châu Âu. Hiện nay, các sản phẩm tiêu thụ có rất ít nhựa được tái sử dụng và chúng vỡ ra thành từng mảnh hay phân rã ở tốc độ rất chậm. Do đó, chúng đang tích tụ ở trong các thành phần môi trường nói chung và nước thải nói riêng.
Gần đây, nhiều công trình nghiên cứu đã mở rộng phạm vi tìm hiểu, không chỉ ở đại dương mà còn cả môi trường nước ngọt và đất liền. Các nguồn chủ yếu của vi nhựa thường là sự phân mảnh của nhựa lớn hoặc hao mòn sản phẩm, nhưng tốc độ phân mảnh trong điều kiện tự nhiên là không xác định. Thông thường, các hạt có mật độ cao sẽ chìm xuống và tích tụ trong bùn, trong khi các hạt có mật độ thấp sẽ nổi trên bề mặt nước, mặc dù sự bám tụ sinh vật, sự xáo trộn và lượng nước ngọt đầu vào có thể ảnh hưởng đến việc trộn lẫn theo chiều dọc. Hơn nữa, các vi nhựa ăn vào có thể bị hấp thụ bởi tế bào biểu mô của đường tiêu hóa, thậm chí là cả thành ruột để vào hệ tuần hoàn. Sự tiêu thụ vi nhựa không chỉ gây ra tác hại về mặt vật lý mà còn do các chất phụ gia được thêm vào trong quá trình sản xuất và các chất ô nhiễm hữu cơ bị hấp thu từ nước mặt xung quanh vào sinh vật. Ý nghĩa về mặt sinh thái của sự vận chuyển này được đặt ra bởi Ogata Y. (2009). Hiện nay có rất ít tài liệu khoa học về nồng độ vi nhựa trong nước thải sinh hoạt, đặc biệt là khi so sánh với nồng độ trong bùn. Ngoài ra, công bố về tình trạng ô nhiễm nhựa nói chung và vi nhựa trong nước thải sinh hoạt nói riêng còn rất hạn chế, đặc biệt là trong nước thải sau xử lý trên địa bàn Bình Dương. Do đó, việc nghiên cứu sự hiện diện của vi nhựa trong nước thải sinh hoạt là rất cần thiết. Kết quả nghiên cứu sẽ giúp các nhà quản lý có thể hoạch định các chính sách phù hợp nhằm giảm thiểu lượng rác nhựa ra môi trường.
Thiết bị lọc thu vi nhựa: a) màng lọc sẽ được đặt vào giữa khớp nối; b) thiết bị lọc được ráp lại với ba đầu lọc khác nhau.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, vi nhựa trong nước thải sinh hoạt sau xử lý vẫn còn tồn tại. Kết quả nghiên cứu cho thấy, sự hiện diện của vi nhựa có trong bùn thải nhiều hơn nước thải sau xử lý. Kích thước vi nhựa trong nước thải sinh hoạt dao động từ 10,4 - 1383 micron. Thành phần vi nhựa trong nước thải và bùn thải chủ yếu là plastic fragment, plastic film và filament. Nồng độ vi nhựa có trong nước thải sinh hoạt dao động từ 0,11 - 0,52 hạt vi nhựa/L. Hiện nay, hiệu quả xử lý vi nhựa tại các nhà máy xử lý nước thải tỉnh Bình Dương đạt hiệu quả cao 99,9%. Tuy nhiên, vi nhựa vẫn tồn tại trong nước thải sau xử lý là khá lớn. Điều này có thể dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực đến sinh vật thủy sinh trong nước. Nghiên cứu chỉ ra phương pháp phân tích hạt vi nhựa trong nước thải và bùn thải có khả năng mở rộng áp dụng cho đối tượng nghiên cứu khác. Các loại vật tư sử dụng trong phương pháp này cũng khá phổ biến và thích hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam.
Thông qua nghiên cứu, nhóm tác giả kiến nghị đánh giá sự hiện diện của vi nhựa có trong nước thải sau xử lý có ý nghĩa cho công tác quản lý môi trường. Do đó, Chính phủ Việt Nam cần sớm có hướng dẫn về quy trình và ban hành quy chuẩn phân tích vi nhựa giúp cho công tác giám sát và quản lý vi nhựa đi vào bài bản.
Tạp chí Môi trường, Số. 01 (2022)