Nghiên cứu trữ lượng các bon tích lũy của rừng ngập mặn trồng ven biển huyện Kim Sơn, Tỉnh Ninh Bình
Nghiên cứu do nhóm tác giả Trung tâm Tư vấn và Công nghệ môi trường và Trường Đại học tài nguyên và Môi trường Hà Nội thực hiện.
Chương trình REDD và REDD+ là một trong những chương trình có nhiều đóng góp tích cực trong công tác xây dựng chính sách, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý rừng phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Tuy nhiên, để tham gia và thực hiện các chương trình này, Việt Nam cần phải tính toán được trữ lượng các bon rừng hay ước tính sinh khối, trữ lượng các bon rừng lưu giữ và lượng CO2 hấp thụ hoặc phát thải trong quá trình quản lý rừng.
Kim Sơn là huyện ven biển nằm ở cực Nam của tỉnh Ninh Bình, nơi đây có hệ sinh thái rừng ngập mặn (RNM) phát triển. Tính đến ngày 31/12/2020, huyện Kim Sơn có 614 ha rừng ngập mặn, rừng ngập mặn nơi đây được trồng chủ yếu là trang (Kandelia obovata), bần chua (Sonneratia caseolaris). Để đánh giá khả năng tích lũy các bon của rừng, nghiên cứu trữ lượng các bon tích lũy của rừng ngập mặn trồng ven biển huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình được thực hiện nhằm phục vụ quản lý nhà nước về giảm phát thải khí nhà kính, cung cấp cơ sở cho việc đàm phán quốc tế trong các Chương trình thực hiện cắt giảm KNK như REDD và REDD+ tại Việt Nam.
Đối tượng nghiên cứu: Kiểu rừng lựa chọn nghiên cứu là rừng trồng thuần loài trang (Kandelia obovata) và rừng trồng thuần loài bần chua (Sonneratia caseolaris). Đối tượng nghiên cứu là lượng các bon tích lũy trong 3 bể chứa: Các bon trong sinh khối thực vật trên mặt đất (thân, cành, lá), dưới mặt đất (rễ) và lượng các bon tích lũy trong đất của rừng trang (Kandelia obovata) trồng ven biển xã Kim Trung, rừng bần chua (Sonneratia caseolaris) trồng ven biển xã Kim Hải, tỉnh Ninh Bình vào năm 2009, 2010, 2011 theo hướng dẫn của IPCC (2006). Rừng trang 10 tuổi (R10T) có mật độ, đường kính thân, chiều cao trung bình là 7633 cây/ ha, 4,79 - 4,99 cm, 3,86 - 4,40 m; rừng 11 tuổi (R11T) là 7067 cây/ha, 5,86 - 5,95 cm, 4,27 - 4,36 m; Rừng 12 tuổi (R12T) là 7433 cây/ha, 6,98 - 7,06 cm, 4,39 - 4,48 m. Rừng bần chua 10 tuổi có mật độ, đường kính thân, chiều cao trung bình là 1966 cây/ha, 14,18 - 15,35 cm, 10,77 - 10,83 m; R11T là 2067 cây/ha, 15,13 - 16,71 cm, 10,99 - 11,60 m; R12T là 2233 cây/ha, 17,44 - 17,61 cm, 12,01 - 12,06 m.
Đánh giá khả năng tạo bể chứa các bon (tấn/ha/năm) của rừng trang, bần chua theo tuổi rừng tại khu vực nghiên cứu
Kết quả nghiên cứu cho thấy, trữ lượng các bon tích lũy trong đất rừng cao hơn trữ lượng các bon trong sinh khối cây trên mặt đất và dưới mặt đất (rễ) của rừng.
Khả năng tích lũy các bon hàng năm của rừng tương ứng với lượng CO2 “tín dụng” (credit) tăng theo thời gian. Đối với rừng trồng thuần loài trang, hiệu quả tích luỹ đạt giá trị cao nhất trong nghiên cứu này là R12T với 15,38 tấn/ha/năm (tương ứng với lượng CO2 là 56,46 tấn/ha/năm), tiếp theo là R11T với 14,59 tấn/ha/ năm (tương ứng với lượng CO2 là 53,54 tấn/ha/năm) và R10T với 14,80 tấn/ha/năm (tương ứng với lượng CO2 là 54,32 tấn/ha/năm). Đối với rừng bần chua, hiệu quả tích lũy đạt giá trị cao nhất trong nghiên cứu này là R11T với 51,56 tấn/ha/năm (tương ứng với lượng CO2 là 189,22 tấn/ha/năm), tiếp theo là R12T với 30,00 tấn/ha/năm (tương ứng với lượng CO2 là 110,10 tấn/ ha/năm) và R10T với 28,87 tấn/ha/năm (tương ứng với lượng CO2 là 105,94 tấn/ha/năm).
Với khả năng tích lũy các bon cao trong cây và đặc biệt là trong đất rừng, là cơ sở khoa học để xây dựng và thực hiện các Chương trình cắt giảm khí nhà kính như REDD, REDD+ tại các vùng ven biển Việt Nam.
Tạp chí Môi trường, Số. 01 (2022)